Những ngày sales lớn được cho là dịp tốt để người trẻ tranh thủ để mua những món đồ với giá hời. Song, đi kèm với lợi ích đó cũng là những lần mua sắm thiếu kiểm soát. Chẳng hạn, chỉ cần thích mắt, giá rẻ bất ngờ, họ có thể mua ngay mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế của bản thân.

Vừa mới đây, VTV24 đưa phóng sự "Xu hướng mua sắm không kiểm soát của người trẻ". Trong đó, Phạm Bích Loan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ rằng: "Mình nhìn lịch sử mua sắm trong ứng dụng và cũng không hiểu tại sao bản thân có thể chi tiêu như thế. Bình thường, một tháng mình cũng không kiếm được số tiền như thế. Tại sao mình tiêu mà không giữ lại rồi sau đó lại cảm thấy hối hận. Có những ngày canh sales thức đêm đến 2 giờ sáng để săn sales. Những dịp đó phải đặt từ 10 đến 20 đơn".

Đối với Bích Loan, nhiều bộ quần áo ngẫu hứng thích nên mua, một số trang phục đến giờ vẫn nguyên mác. Những bộ quần áo đi đám cưới, Bích Loan chỉ mặc 1 lần, chụp ảnh rồi xem như đã cũ, và không mặc lại lần thứ 2. Bích Loan chi khoảng 3-4 triệu mua quần áo mặc đi dự 1 đám cưới, và nó nhiều hơn tiền mừng cưới.

Bên cạnh đó, Nguyễn Khánh Vy (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng làm để sống không phải sống để làm. Tháng này, Khánh Vy đã tiêu sạch, không còn đồng nào, cháy túi theo nghĩa đen. "Có những lúc mình quên ngày sinh nhật bạn bè nhưng lịch săn sales không bao giờ quên".

Tiền săn sales nhiều hơn tiền lương, mua không kiểm soát rồi hối hận - Ảnh 2.

Khi không còn tiền, nhiều người trẻ sẽ dùng đến hình thức trả góp. Theo Bích Loan, đây cũng là một khoản tiết kiệm. "Ví dụ, mỗi tháng mình để ra 2,5 triệu để trả góp nhưng ví dụ tháng đó không phải trả góp, chắc chắn cũng sẽ tiêu hết 2,5 triệu đó mà không phải vì khoản chi chính đáng".

Mặt khác, nhiều người trẻ đang tiêu tiền để trả thù. Hết tiền giữa tháng không phải để trả nợ mà "trả thù". Đối với Ngô Thanh Thủy (quận Long Biên, Hà Nội), trả thù có nghĩa là để bù đắp cho những áp lực công việc đã phải trải qua, xứng đáng tiêu pha cho bản thân mình. "Mình kiếm tiền nhưng cũng phải tiêu, đồ mới tạo ra cảm hứng cho mình. Có thể nó nhỏ như ốp điện thoại chỉ cần 2-3 cái nhưng nó không dừng ở đấy mà giúp để có cảm xúc hơn". Hiện nay, Thanh Thủy có lẽ đã sở hữu 100 cái ốp điện thoại và chưa dừng lại. Mỗi cái ốp lại gắn với kỷ niệm như sếp mắng hay gặp trục trặc về tình cảm. Ngay cả khi quay phim, Thanh Thủy cũng nhận được điện thoại để xuống nhận hàng.

Tiền săn sales nhiều hơn tiền lương, mua không kiểm soát rồi hối hận - Ảnh 3.

Song, không phải người trẻ nào cũng chi tiêu thiếu kế hoạch, tháng nào biết tháng đấy. Chẳng hạn, Mai Hương đang có xu hướng tích lũy nhiều hơn bắt đầu bằng cách lập ngân sách mua những mặt hàng sử dụng trong dài hạn. Cùng mong muốn có chi tiêu kiểm soát hơn, Hoàng Long tìm đến những lớp học tài chính cá nhân.

Theo các chuyên gia, người Việt trẻ khá thiếu kỹ năng quản lý tài chính, không phải bạn không làm trong lĩnh vực kinh tế là không cần quan tâm đến những kiến thức này. Vì tài chính là nền tảng cho tương lai của mỗi người. Và quản lý tài chính có thể bắt đầu từ kiểm soát chi tiêu và đầu tư đúng mục đích.

"Khi đồng lương về, các bạn bao nhiêu tuổi thì trích từng đấy phần trăm để đầu tư lâu dài. Phần còn lại, tuổi trẻ phải có những trải nghiệm, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, đầu tư vào bản thân - tài sản vô hình là năng lực, kiến thức, mối quan hệ xã hội để làm sao tạo ra dòng tiền lớn trong tương lai. Quản lý tài chính là một dạng kỹ năng. Khi các bạn trẻ hiểu rằng cần kỹ năng để có khoản tích lũy dành cho bản thân trong tương lai, như vậy sẽ kiểm soát được chi tiêu", Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: VTV