Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết, hiểu, quản lý và thể hiện cảm xúc của chính bạn và người khác. Chỉ số EQ không tự nhiên sinh ra và duy trì cố định theo năm tháng, bởi nó có thể thay đổi theo sự nỗ lực của cá nhân.

Trong bài giảng "Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc với chỉ số EQ cao", Tiến sĩ  (TS) tâm lý Trương Di Quân (Trung Quốc) đã chia sẻ một số bí quyết hữu ích.

Tiến sĩ tâm lý bật mí "siêu năng lực" khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc - Ảnh 1.

Tiến sĩ tâm lý Trương Di Quân

TS Trương Di Quân cho biết: Trước 6 tuổi, não bộ của trẻ em phát triển nhanh chóng và khả năng trí tuệ cảm xúc trong thời thơ ấu có thể dự đoán thành công và hạnh phúc trong tương lai. Cha mẹ là huấn luyện viên trí tuệ cảm xúc của con cái. 

Để trẻ bình tĩnh đối mặt và tự mình giải quyết những vấn đề phát sinh, cha mẹ phải thực hiện những điều này từ sớm.

Có "bốn điều kỳ diệu" trong việc trau dồi trí tuệ cảm xúc:

Điều kỳ diệu thứ nhất: Nhận diện cơn giận: Hạch hạnh nhân (amygdala), nằm ở tâm của não. Chính hạch này xử lý các yếu tố gây cảm xúc và giúp chúng ta có phản ứng phù hợp trước vô số kích thích khác nhau.

Khi con bạn làm điều gì đó không đúng, với tư cách là cha mẹ, bạn sẽ rất tức giận và muốn trừng phạt con. Chính lúc này hạch hạnh nhân đang hoạt động, nhưng chức năng của vỏ não trước trán cho phép bạn kiểm soát cảm xúc của mình và suy nghĩ xem liệu hành động của con có đáng làm mình tức giận hay không. Chỉ khi có thể suy nghĩ hợp lý về hậu quả, chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề. 

Tiến sĩ Shrand (Mỹ) cũng từng nói: "Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ".

Bước đầu tiên để xua tan cơn tức giận chính là việc bản thân cha mẹ nhận ra mình đang tức giận. Để kiềm chế, bạn có thể hít thở sâu, đếm ngược, chạy tại chỗ, lắc hai bàn tay, nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh, đặt hai bàn tay dưới vòi nước máy, thậm chí gượng cười cũng có thể gửi một thông điệp tới não của bạn rằng tình huống này không phải là trường hợp khẩn cấp.

Tóm lại, nguyên tắc vàng trong việc trau dồi trí tuệ cảm xúc chính là: Khi cha mẹ tức giận, không được đưa ra những quyết định bốc đồng, nói những lời nóng giận mà hãy tìm cách xoa dịu bản thân trước rồi mới giải quyết vấn đề. Hoặc nếu trẻ có tâm trạng kích động, cha mẹ nên xoa dịu tâm trạng của trẻ trước, đợi trẻ bình tĩnh lại rồi từ từ suy luận và đưa ra quyết định.

Điều kỳ diệu thứ hai: Nuôi dưỡng cảm giác an toàn cho trẻ. Trước ba tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ hình thành cảm giác an toàn. Giai đoạn còn nhỏ, khi trẻ dùng tiếng khóc để biểu đạt, cha mẹ nên đáp ứng nhu cầu của con. Đương nhiên, đến thời điểm con đã học nói và có những yêu cầu không hợp lý, bạn có thể từ chối.

Sau khi có khả năng tự do di chuyển, nhiều bé sẽ không nghe lời, chạy nhảy thường xuyên, phớt lờ các nguy cơ. Điều cha mẹ phải làm lúc này là xác nhận rằng môi trường xung quanh an toàn và luôn nằm trong giới hạn cho phép. Mặc khác, cho trẻ khám phá thế giới một cách độc lập để nuôi dưỡng lòng can đảm và sự tự tin của trẻ. 

Khía cạnh quan trọng nhất của việc để đứa trẻ cảm thấy an toàn là dành thời gian cho con: Nói chuyện, chia sẻ, cười đùa và học hỏi mọi lúc mọi nơi. Đừng quên đặt ra một số quy tắc, điều này sẽ khiến trẻ nhận ra rằng cuộc sống của mình ổn định và cảm thấy an toàn hơn.

Điều kỳ diệu thứ ba: Trẻ có cảm xúc, cha mẹ phải làm gì? Khi trẻ mất bình tĩnh, cha mẹ nên cố gắng dạy trẻ "nói" ra cảm xúc. Nói với trẻ rằng những gì khiến trẻ khó chịu trong lòng đều có tên gọi. 

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên nói lên cảm xúc của mình như: "Ba/mẹ rất buồn vì hôm nay chúng ta không thể đi thăm bà" hoặc "Ba/mẹ ngạc nhiên vì hôm nay những cậu bé đó lại khá xấu tính". Có thể bắt đầu các cuộc trò chuyện về cảm xúc với con bằng cách nói đến các nhân vật trong sách hoặc trên chương trình truyền hình. Nhận thức được cảm xúc có thể giúp trẻ vững tinh thần và việc thường xuyên thực hành cách này sẽ giúp cảm xúc của trẻ được cải thiện.

Điều kỳ diệu thứ tư: Trau dồi lòng tự tin vững chắc cho trẻ. 4-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để trau dồi sự tự tin. Có hai phương pháp quan trọng: Khen ngợi những đặc điểm và phê bình hành vi một cách nhẹ nhàng, xây dựng (chứ không phải phê bình con người của trẻ). Lưu ý, cha mẹ chỉ so sánh con với chính mình, đừng so sánh với con người khác, đây là cách dễ nhất làm tổn hại đến sự tự tin của con bạn.