Đột biến hôm 20/9/2019 bầu trời TP HCM mới sáng sớm đã mờ đặc sương mù, kéo dài cho đến tận chiều. Đang trong mùa mưa nên nhiều người dân tưởng là làn sương của thời tiết mưa nhiều tạo thành, và vì không có nắng cho nên rất nhiều người bỏ chiếc khẩu trang mỏng thường lệ để tận hưởng "không khí mùa thu" se lạnh.

Tất cả giật bắn mình khi đến chiều hôm đó, các chuyên gia về môi trường lần lượt, rồi đồng loạt lên tiếng cảnh báo người dân về tình trạng ô nhiễm bất thường, nguy hiểm cho sức khỏe đang xảy ra tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người già, phụ nữ có thai và người có các bệnh hô hấp trước đó được khuyên không ra đường nếu không cần thiết. Nếu ra đường phải đeo khẩu trang loại lọc được bụi mịn. Trong nhà thì đóng cửa.

hm

Trên các ứng dụng đo chất lượng không khí thông dụng như Air Visual, PAM air, bầu trời TP HCM hiện lên một màu đỏ rực, xen cả những điểm tím đậm: Dấu hiệu ô nhiễm không khí đến mức nguy hiểm cho sức khỏe.

Hóa ra không phải làn sương mù hơi nước của mùa thu mà là tấm chăn đầy bụi bẩn trùm lên thành phố.

Trong những ngày tiếp theo, tuy độ ô nhiễm không khí có giảm đi dần dần nhưng tại cả TP HCM và Hà Nội, chỉ số vẫn luôn xoay quanh mức da cam (không tốt cho nhóm nhạy cảm) và đỏ (không tốt cho toàn thể).

Trong khi chờ chính phủ thực hiện các quyết sách mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí, một trong những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe mà chúng ta thực hiện thường xuyên nhất là đeo khẩu trang khi ra đường.

Phổ biến nhất hiện nay là các loại khẩu trang vải và khẩu trang y tế. Nhưng các loại khẩu trang này có hiệu quả lọc bụi mịn đến đâu? Bụi mịn là gì, bụi mịn gây tác hại đến đâu và như thế nào với sức khỏe? Nên dùng các loại khẩu trang nào, sử dụng ra sao cho đúng cách?

Mời bạn đọc theo dõi hướng dẫn của TS Trần Ngọc Đăng, giảng viên Bộ môn Sức khỏe môi trường, Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM. TS Trần Ngọc Đăng đồng thời là Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo Đại học Y Dược TP HCM.

Đeo khẩu trang khi không khí ô nhiễm nặng

Năm 2016, tại Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM 10 và PM 2.5 (kích thước bụi bằng 2.5 micromet, nhỏ hơn 30 lần đường kính sợi tóc) trung bình ở Hà Nội cao gấp 5 lần mức được WHO khuyến cáo. TP HCM: gấp 4 lần so với khuyến cáo. Tại các giao lộ lớn, con số này có thể cao gấp 8 - 9 lần

- Năm 2018, Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và 209 trong tổng số 3000 thành phố được xếp hạng nguy hại cao về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5. TP HCM xếp thứ 15 Đông Nam Á và 455 trên thế giới.

- Ở Việt Nam, năm 2016 có hơn 60.000 người chết do ô nhiễm không khí. Trung bình có 164 người tử vong mỗi ngày vì hít thở nguồn không khí ô nhiễm.

(Theo Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu (AirVisual & Greenpeace), Thống kê năm 2018 của WHO).

Cá nhân mỗi người dân không thể đảm bảo nguồn không khí sạch sẽ cho mình. Đó là trách nhiệm của bộ máy chính quyền. Chỉ có các chính sách mạnh mẽ mang tính chất cưỡng chế và nguồn lực tập trung của chính phủ mới có thể giảm phát thải và tăng các bộ lọc không khí tự nhiên như cây xanh, vùng nước thiên nhiên…