Vào tháng 10 hàng năm, Hội đồng Nobel ở Thụy Điển và Na Uy sẽ xướng tên người đoạt giải thưởng danh giá này trong nhiều hạng mục khác nhau ở các lĩnh vực khoa học, văn học, kinh tế, hòa bình.
Tổng cộng sẽ có 6 giải Nobel được trao cho 6 hạng mục nhằm công nhận đóng góp xuất sắc của cá nhân hay tổ chức trong các lĩnh vực tương ứng.
Các hạng mục này bao gồm y-sinh (y tế hoặc sinh học), vật lý, hóa học, khoa học kinh tế, văn học và hòa bình. 5 hạng mục đầu tiên được xét bởi Hội đồng Nobel tại Thụy Điển, trong khi giải hòa bình được xét bởi Hội đồng Nobel Na Uy.
Trong 2 năm vừa qua, việc tổ chức giải Nobel đã có chút thay đổi do tình hình đại dịch. Vào năm 2020 và 2021, các sự kiện trao giải được tổ chức qua nền tảng kỹ thuật số, và lễ trao giải ở Oslo (Na Uy) cho giải Nobel hòa bình cũng được tổ chức hạn chế.
Năm nay, những người thắng giải tiếp tục được mời đến Stockholm và Oslo để nhận giải như thường lệ vào tháng 12. Hiện đã có chủ nhân của 5 hạng mục y-sinh, vật lý, hóa học, văn học và hòa bình được xướng tên.
Bên cạnh giấy chứng nhận và huy chương vàng có hình người sáng lập - Alfred Nobel, người nhận giải còn được một khoản tiền thưởng nhất định khác nhau theo từng năm. Năm nay, người thắng sẽ nhận được khoản tiền 10 triệu kronor Thụy Điển (SEK) (tương đương 900.000 USD) ở mỗi hạng mục (nếu có nhiều hơn 1 người thắng thì giải thưởng sẽ chia đều).
Số tiền thưởng mỗi năm này đến từ đâu và ai là người chi trả?
Nguồn gốc của giải Nobel đến từ người mà nó mang tên - nhà khoa học xuất sắc, triệu phú Thụy Điển Alfred Nobel. Ông nổi tiếng với việc phát minh ra thuốc nổ và đã quyên gần như toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Nobel.
Trước khi qua đời năm 1896, ông đã để lại di chúc ghi rõ 94% tài sản của mình, tương đương lượng tiền mặt 31 triệu SEK (tương đương 4.223.500 USD ở thời điểm đó) cho quỹ. Số tiền này tương đương gần 1,8 tỷ SEK (160 triệu USD) ngày nay.
Trong di chúc của mình, Alfred Nobel xác định rằng tài sản của ông nên được đầu tư vào một quỹ bao gồm các chứng khoán an toàn.
Hầu hết tài sản được chứng minh là có liên quan đến việc Nobel nắm giữ công ty dầu khí Baku Petroleum của Nga và hàng trăm nhà máy sản xuất đạn dược và thuốc nổ ở châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, Úc và Nam Phi. Nobel cũng có cổ phần đáng kể trong các công ty khai thác khác nhau, bao gồm cả các mỏ vàng, cũng như doanh thu từ 355 bằng sáng chế quốc tế của mình.
Ngoài ra, ông còn sở hữu một chiếc du thuyền, một trang trại ngựa giống và 3 tài sản có giá trị: biệt thự Mio Nido ở San Remo, một căn hộ ở Paris, biệt thự Björkborn ở Karlskoga (nơi ông chưa bao giờ đến sống). Phần tiền lãi hàng năm từ các danh mục đầu tư của ông sẽ được chi cho việc trao giải, cũng như cho hội đồng tổ chức giải bởi Quỹ Nobel, một tổ chức tư nhân hoạt động từ năm 1900.
Mặc dù các yêu cầu của Nobel có thể phù hợp với thời gian và địa điểm mà ông sống nhưng trong nhiều thập kỷ kể từ khi ông qua đời, Quỹ Nobel và những người lãnh đạo tổ chức đã thay đổi cách tiếp cận để đáp ứng với các phong cách đầu tư hiện đại hơn.
Mục tiêu là duy trì sự ổn định trong khả năng trao giải thưởng tiền mặt với số tiền tương đương hoặc lớn hơn. Tuy nhiên, lịch sử dài của Quỹ Nobel và các khoản đầu tư của nó chỉ ra rằng đã có những thay đổi đáng kể về giá trị giải thưởng theo thời gian.
Vào lần đầu tiên trao giải năm 1901, số tiền cho mỗi hạng mục là 150.000 SEK, tương đương gần 9 triệu SEK năm 2020 (khoảng 1 triệu USD). Những năm gần đây, con số được trao cũng tương đương như vậy sau khi đã điều chỉnh lạm phát.
Tuy nhiên, những năm sau 1901 và giữa thế kỷ 21, giải thưởng có những lúc không được nhiều như vậy, một phần đến từ việc đầu tư của những người quản lý Quỹ Nobel.
Lấy ví dụ, giải Nobel năm 1919 chỉ là 133,127 SEK hay 2,4 triệu SEK (hơn 200.000 USD ngày nay). Cũng có lúc giải thưởng đã tăng lên vào những năm đại khủng hoảng ở thập niên 1930, nhưng lại quay về mức đó ở thập niên 1940, 1950.
Lý do là bởi những biến động của thời cuộc như các cuộc Thế chiến và việc đầu tư không còn hiệu quả. Tới năm 1953, Quỹ Nobel được trao thêm một số đặc quyền như miễn thuế, cũng như tự do đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản, thay đổi chiến lược đầu tư so với ban đầu nhằm đảm bảo lợi nhuận.
Vào những năm 1990, đặc biệt là trong thế kỷ mới, giá trị tiền mặt của các giải Nobel đã tăng lên đáng kể, đạt 10 triệu SEK vào năm 2001 (12,5 triệu SEK theo định giá tháng 12/2019) và ở đó trong nhiều năm, dù hiện tại đã giảm xuống mức 9 triệu.
Vào thời điểm này, các nhà đầu tư quản lý tài sản thừa kế đã bắt đầu sử dụng các quỹ phòng hộ để tăng vốn. Tuy nhiên, với giải thưởng năm 2012, Quỹ Nobel đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm 20% giải thưởng tiền mặt để duy trì mức vốn phù hợp. Vào thời điểm đó, quỹ cũng cân nhắc việc vận động quyên góp ủng hộ để khôi phục lại giá trị của giải thưởng.
Vào năm 2020, số tiền giải Nobel đã được tăng nhẹ thêm 1 triệu SEK lên 10 triệu SEK. Lý do chính là vốn đầu tư của quỹ tài trợ đã tăng từ 3,6 tỷ SEK năm 2012 lên 4,6 tỷ SEK vào năm 2020.
Theo báo cáo thường niên của Quỹ Nobel, mục tiêu của quỹ là đáp ứng lợi nhuận hàng năm tối thiểu cao hơn mức lạm phát ít nhất 3,5%. Danh mục đầu tư của quỹ gồm cổ phiếu, thu nhập cố định, tài sản và các tài sản thay thế (quỹ phòng hộ). Cơ cấu danh mục đầu tư là khoảng 55% vào cổ phiếu, 10% thu nhập cố định, 10% tài sản và 25% tài sản thay thế.
Hiện bà Ulrika Berman là giám đốc đầu tư (CIO), gia nhập tổ chức vào năm 2017. Kể từ khi người tiền nhiệm của bà gia nhập quỹ vào năm 2012, quỹ đã làm việc để chuyển các khoản đầu tư sang việc nắm giữ các tài sản chủ động, cố gắng giảm phí trong khi duy trì hiệu quả.
Dù có sự biến động nhất định về mức tiền thưởng mỗi năm do ảnh hưởng từ kết quả đầu tư của Quỹ Nobel, tiền thưởng của giải này hiện đang ổn định ở khoảng 1 triệu USD và với việc đầu tư khéo léo nhằm đảm bảo mức lợi nhuận lớn hơn lạm phát 3,5% mỗi năm, quỹ sẽ vẫn duy trì được mức trao giải này lâu dài.
Vì sao không có giải Nobel toán học?
Một câu hỏi khác mà nhiều người sẽ thắc mắc là tại sao có đến một nửa các hạng mục của giải Nobel là khoa học (y-sinh, vật lý, hóa học), mà một môn như toán học lại không có mặt?
Lý do thực ra khá đơn giản. Sinh thời, Nobel nổi tiếng là người ưa thực nghiệm hơn lý thuyết. Là một nhà phát minh và nhà công nghiệp, ông đã không tạo ra một giải thưởng về toán học đơn giản vì ông không đặc biệt quan tâm đến toán học hoặc khoa học lý thuyết.
Di chúc của ông nói về những giải thưởng cho những "phát minh hoặc khám phá" mang lại lợi ích thiết thực lớn nhất cho nhân loại. Triết lý này cũng được phản ánh trong cả hạng mục vật lý, khi giải thưởng này luôn ưu tiên các tiến bộ trong thực nghiệm hơn vật lý lý thuyết.
Năm nay, giải Nobel vật lý được đồng trao cho 3 nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ lượng tử. Alain Aspect, John F. Clauser và Anton Zeilinger đã có các thí nghiệm "làm rung chuyển nền tảng của cách chúng ta giải nghĩa sự đo đạc" - Hội đồng Nobel Vật lý cho biết.