Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước diễn ra vào sáng 12/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành giáo dục đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Đây là năm học vượt khó của ngành Giáo dục do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
"Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD&ĐT đã đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục.
"Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi tốt nghiệp THPT, mà còn là thi cử phổ thông, học thêm dạy thêm, sách tham khảo. Bởi chúng ta chưa trung thực trong giáo dục! Trong quá trình đổi mới sang năm thứ 8 thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề", Phó Thủ tướng nói và cho rằng, việc học trực tuyến chất lượng đương nhiên không thể bằng học trực tiếp vì dịch COVID-19. Vấn đề giáo viên trường ngoài công lập bị ảnh hưởng. Giáo dục là quá trình liên tục và có nhiều đầu việc phải làm. Tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Thực hiện làm sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. Việc đưa môn Giáo dục thể chất vào trường phổ thông là rất quan trọng.
Tiếp theo, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đối với học phí ở bậc phổ thông, tinh thần là không tăng, giảm và tiến tới miễn học phí nhanh hơn lộ trình.
"Khi muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói của tập thể giáo viên phải là quyết định thay vì ý kiến của một người ngoài nhà trường. Đây là một điều rất quan trọng thể hiện tính dân chủ trong nhà trường. Ngành Giáo dục cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục...", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Học phí phải giảm, miễn nhưng giá dịch vụ giáo dục cần tăng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khi phát triển đi lên, giá dịch vụ giáo dục phải tăng mới đảm bảo chất lượng. Chúng ta không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục như các nước thu nhập đầu người 40.000 USD/năm khi giá dịch vụ giáo dục không tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, phần này là cần thiết cho các cơ sở giáo dục, tức là các trường để đảm bảo chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục tăng thì giá dịch vụ giáo dục phải tăng là đương nhiên, tất nhiên là theo hướng tiết kiệm. Còn chúng ta phải phân biệt, học phí tức là tiền phụ huynh học sinh phải đóng, ở giáo dục phổ thông, thì theo hướng không tăng, thậm chí là phải thực hiện giảm, rồi miễn. Hiện ở bậc tiểu học, chúng ta đã miễn học phí, giờ bàn tới bậc THCS.
"Thủ tướng đã nói rồi, tinh thần là đóng góp của các phụ huynh học sinh không tăng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ và chỉ ra rằng, các tỉnh phải lấy ngân sách địa phương để hỗ trợ, với các tỉnh khó khăn có thể xin ngân sách Trung ương. Nếu miễn giảm học phí cho học sinh thì ngân sách phải bù, vì các trường không thể có nguồn thu đủ để chi tiêu.
"Đối với học phí ở bậc phổ thông, tinh thần là không tăng, giảm và tiến tới miễn học phí nhanh hơn lộ trình", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết lại.