Mới đây, Công ty PouYuen Việt Nam ra thông báo sẽ tiến hành cắt giảm hơn 2.358 lao động. Ngay sau thông báo trên, Công ty TNHH PouYuen cũng đã thông tin về chính sách hỗ trợ cho các lao động này.

Về chế độ cho người lao động, phía công đoàn đề nghị hỗ trợ 0,8 tháng lương căn bản cho mỗi năm làm việc (cao hơn so với quy định trợ cấp thôi việc) đồng thời khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, theo phương án từ công ty đưa ra, công nhân mất việc sẽ nhận được hỗ trợ cao nhất 379 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhân sự thông báo các khoản trợ cấp trong đó có phần khấu trừ thuế 10%, nhiều công nhân không vui. Trong trường hợp này, nhiều người không khỏi thắc mắc, tiền trợ cấp, bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động có tính thuế TNCN?

Tiền trợ cấp, bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động có tính thuế TNCN? - Ảnh 1.

Công ty PouYuen - công ty nhiều lao động nhất TPHCM cũng không tránh khỏi làn sóng cắt giảm lao động do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Liên quan đến những thắc mắc này từ phía công nhân, phía Công ty PouYuen cho biết, doanh nghiệp đã có văn bản gửi Cục Thuế TP HCM.

Đại diện Cục thuế TP HCM cho biết căn cứ quy định hiện hành, chỉ có khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế. Với lao động Pou Yuen, công ty đã trả một khoản ngoài quy định (công ty hỗ trợ mức 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc là cao hơn so với quy định trợ cấp thôi việc) nên phải tính vào phần thu nhập chịu thuế. Nếu khoản trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên và được chi trả sau thời điểm kết thúc hợp đồng, lao động bị khấu trừ 10%.

Tuy nhiên, sau này công ty có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Cuối năm, khi làm thủ tục khai quyết toán thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên toàn bộ thu nhập chịu thuế trong năm cùng thủ tục giảm trừ gia cảnh, nếu số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, công nhân sẽ được hoàn trả.

Tiền trợ cấp, bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động có tính thuế TNCN? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp cần có hướng dẫn rõ với người lao động về việc hoàn thuế tránh gây hoang mang. Ảnh Dân trí.

Trước đó, nhiều công nhân nghỉ việc đợt công ty cắt giảm năm 2020 cho biết từng bị trừ tiền thuế cho các khoản trợ cấp. Tuy nhiên, tới khi làm thủ tục khai quyết toán thuế cuối năm, họ được hoàn trả.

Nhiều trường hợp, người lao động lớn tuổi không hiểu rõ ràng các thủ tục đã bỏ luôn số tiền này. Do đó, ở đợt cắt giảm này, người lao động nên tìm hiểu kĩ thủ tục hoàn thuế như thế nào từ công ty để tránh hoang mang. Đồng thời doanh nghiệp cũng nên có hướng dẫn rõ ràng thủ tục hoàn thuế để công nhân thực hiện.

Tiền trợ cấp, bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động có tính thuế TNCN?

Căn cứ quy định tại Điểm b.6 Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

...

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

...

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

...b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.[...]”

Như vậy, theo quy định này, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm không tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của NLĐ để tính thuế thu nhập cá nhân nếu các khoản trợ cấp trên được chi trả theo đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trường hợp doanh nghiệp chi trả cho NLĐ các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cao hơn mức quy định của Bộ luật Lao động hoặc trường hợp NLĐ nghỉ việc, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ riêng cho NLĐ thì phần vượt mức các khoản trợ cấp và thu nhập từ khoản hỗ trợ của doanh nghiệp phải chịu thuế TNCN.

Về cách tính thuế TNCN đối với các khoản thu nhập này sẽ chia ra 2 trường hợp:

Trường hợp 1: NLĐ được doanh nghiệp chi trả tại thời điểm chưa nghỉ việc, giữa hai bên đang tồn tại hợp đồng lao động thì phần thu nhập vượt mức chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, từ khoản hỗ trợ của doanh nghiệp đối với NLĐ nghỉ việc (nếu có) sẽ được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế TNCN cho NLĐ theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Trường hợp 2: NLĐ được doanh nghiệp chi trả các khoản nêu trên sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động. Lúc này, NLĐ và doanh nghiệp không còn tồn tại hợp đồng lao động nữa nên không áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần để tính thuế đối với phần thu nhập doanh nghiệp chi trả cho NLĐ. Theo đó, phần thu nhập này sẽ tính thuế theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể:

"Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

1. Khấu trừ thuế

...

i. Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.[...]”.