Thêm cơ hội cho thí sinh
Ông Bùi Thái Học, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, chia sẻ, đề tham khảo kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT đưa ra hồi tháng 11 cho thấy, với thời gian làm bài từng môn tự chọn giữ nguyên 50 phút/môn thi như chương trình cũ là quá nặng với thí sinh.
Bài thi trắc nghiệm theo chương trình thi mới có 3 dạng thức gồm: Phần I các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng; Phần II gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai; Phần III gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Thí sinh chưa thực sự quen với đề thi trắc nghiệm này bởi 9 năm Tiểu học và THCS học theo chương trình cũ. Do vậy, ông Học mong Bộ GD&ĐT tăng thời gian làm bài đối với môn thi tự chọn.
Ông Học đề xuất, ngoài 2 môn thi tự chọn bắt buộc, Bộ có thể cho phép thí sinh thi thêm một số môn khác (không xét tốt nghiệp) đã đầu tư học ở THPT để tăng cơ hội xét tuyển ĐH. “Mỗi thí sinh lựa chọn các môn tự chọn nhiều hơn 2 môn để học suốt thời gian THPT. Họ cũng đầu tư vào những môn học này để thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia, Trường ĐH Sư phạm) hoặc thi đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội). Vì vậy, Bộ GD&ĐT có thể xem xét để thí sinh có thể đăng kí thi thêm các môn khác ngoài 2 môn tự chọn trong 4 môn thi (2 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn; 2 môn thi tự chọn) để xét tốt nghiệp. Điều này giúp thí sinh có thêm cơ hội để xét tuyển ĐH”, ông Học nói.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, môn Ngữ văn vẫn tiếp tục thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Các môn thi trắc nghiệm vẫn giữ dạng thức đã có (trắc nghiệm nhiều lựa chọn) và có thêm một số dạng thức trắc nghiệm khác: dạng đúng sai kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân hóa cao; dạng trả lời ngắn yêu cầu thí sinh phải tự tìm đáp án, tư duy làm bài gần với dạng tự luận. Việc đa dạng hơn các định dạng câu hỏi trắc nghiệm có thể kiểm tra tốt hơn năng lực học sinh theo yêu cầu của chương trình mới và khắc phục được nhược điểm của đề thi trắc nghiệm trước đây.
Đánh giá chính xác năng lực người học
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi, các môn tự chọn vẫn sử dụng thời lượng 50 phút là chưa hợp lý. Theo thầy Công, cần phân tích rõ sự khác biệt căn bản giữa chương trình cũ (chương trình giáo dục phổ thông 2006, thi tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước) và chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thi tốt nghiệp từ năm 2025).
Theo đó, chương trình giáo dục cũ tập trung nhiều vào việc kiểm tra khả năng ghi nhớ và tái hiện kiến thức. Đề thi thường có cấu trúc quen thuộc, nội dung giới hạn trong chương trình sách giáo khoa, thậm chí giới hạn chủ yếu trong 1 lớp học (chủ yếu là chương trình lớp 12). Chương trình giáo dục mới mang tính định hướng nghề nghiệp, hướng đến đánh giá năng lực, bao gồm kĩ năng tư duy, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tế. Câu hỏi có thể mang tính tích hợp, liên môn, hoặc yêu cầu tư duy phản biện nhiều hơn. Số lượng môn thi ít hơn, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, đòi hỏi sự chuẩn bị chuyên sâu hơn.
Theo thầy Công, với bài thi tốt nghiệp và sử dụng kết quả để xét tuyển vào ĐH từ năm 2025, để đánh giá chính xác, đầy đủ năng lực của thí sinh, cần thiết kế một bài thi với phổ kiến thức rộng hơn, đề có sự phân hóa tốt hơn và thời gian làm bài dài hơn.
Thầy cho rằng, thí sinh sẽ có nhiều thời gian làm bài hơn cho môn thi, đủ thời gian để giải quyết các vấn đề tích hợp hoặc liên hệ thực tế, các vấn đề phức tạp hơn, các câu trả lời có thể logic và chặt chẽ hơn và do vậy phản ánh chính xác năng lực thí sinh hơn.
Hạn chế các sai sót do áp lực thời gian ngắn gây ra với các thí sinh có tính vội vàng, bỏ qua các kiểm tra logic, giúp phản ánh sự sai sót của thí sinh là do năng lực hơn là do hấp tấp, vội vàng. Phù hợp với nội dung đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các vấn đề lớn hơn, gắn với thực tế hơn có thể được đưa vào, hội đồng ra đề có thể có không gian rộng hơn để ra đề hay hơn. Khuyến khích được thí sinh có tư duy sáng tạo, đa chiều, phản biện và có thể phát triển ý tưởng phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.