Cuối năm, tổng kết lại tình hình chi tiêu, tiết kiệm, có người chỉ biết nén hơi thở dài vì nhìn lại mới thấy “cũng không dư mấy”; cũng có người thở phào nhẹ nhõm, thấy phấn khởi vì cũng có chút tài sản, chút tiền phòng thân.
26 tuổi, một năm tiết kiệm được 1,1 cây vàng và 30 triệu tiền mặt!
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô gái 26 tuổi đã khiến nhiều người phải nể phục. Với mức thu nhập 25-40 triệu đồng/tháng, trong năm vừa qua, cô cho biết bản thân đã tiết kiệm được 1,1 cây vàng và 30 triệu tiền mặt.
“Em là nữ, năm nay 26 tuổi, hiện chưa lập gia đình. Thu nhập của em mỗi tháng tầm 25-40 triệu. Trước kia đi làm, em cũng có dư ra nhưng hầu như không giữ lại nhiều mà biếu tặng bố mẹ hết, nhưng dần dần em cũng nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn.
Em tích góp lại lo cho tương lai. Hiện năm nay em mới bắt đầu tiết kiệm được 1,1 cây vàng, 30 triệu tiền mặt… Cả nhà xem em chi tiêu như kia hợp lý chưa ạ?” - Cô viết.
Thu nhập 1 tháng 25-40 triệu, nếu không tính khoản tiền giữ lại trong tài khoản để phòng thân (3-4 triệu đồng), thì hàng tháng, cô gái này chỉ chi khoảng 8-9 triệu cho các nhu cầu cơ bản. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền trung bình mà cô dành để tiết kiệm, và mua vàng hàng tháng sẽ rơi vào khoảng 17-32 triệu đồng.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người phải khâm phục cả khả năng kiếm tiền lẫn tư duy tiết kiệm, tích sản của cô. Đúng là không nể không được!
3 điều cần nhớ để tối ưu khoản tiền dư ra mỗi tháng
1 - Không "bỏ hết trứng vào một giỏ"
"Không bỏ hết trứng vào một giỏ" là nguyên tắc khá phổ biến của những nhà đầu tư. Bằng cách để vốn vào nhiều loại hình đầu tư khác nhau, chúng ta có thể dàn trải rủi ro và tránh bị động khi có biến cố tài chính.
Có thể thấy, cô gái 26 tuổi này đã áp dụng rất tốt nguyên tắc ấy. Khoản tiền dư ra hàng tháng, cô chia làm 2 khoản, 1 khoản để giữ lại để phòng thân, 1 khoản để mua vàng.
2 - Mua vàng tích sản đều đặn hàng tháng
Nhiều người có dự định mua vàng, nhưng vì thấy giá vàng tăng nên lại chần chừ, cứ đợi ngày này qua ngày khác, rồi thành ra chẳng mua nữa, còn tiền thì cũng đã tiêu hết vì không kiểm soát được ham muốn mua sắm.
Trên thực tế, việc canh giá vàng tăng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách mua vàng, nếu bạn chỉ mua 1-2 chỉ hoặc thậm chí 5 chỉ. Chỉ khi nào số vàng bạn mua tính bằng cây, thì việc giá vàng tăng mới ảnh hưởng tới ngân sách mua vàng. Chứ mua 1-2 chỉ mỗi tháng, giá vàng có lên tới đỉnh, số tiền tăng thêm cũng chỉ 200-300k, quả thực không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách chi tiêu cho các nhu cầu khác.
Thế nên nếu đã có dự định mua vàng tích sản, điều quan trọng nhất là phải mua đều hàng tháng, đừng quá quan tâm tới biến động giá vàng. Cứ đúng ngày, đúng giờ là cầm tiền đi mua. Mua xong mang về, cất vàng vào két sắt, giữ qua 5-10 năm thì không bao giờ lo mất giá hay lo lỗ.
3 - Mua vàng nhẫn trơn thay vì vàng trang sức
Nếu mua vàng để tích sản, không có nhu cầu đeo, hãy mua vàng nhẫn trơn hoặc vàng thỏi, chứ không nên mua vàng trang sức hay vàng chế tác.
"Đã mua vàng 9999 hoặc 18k dạng trang sức, dù đeo hay không thì vẫn mất tiền công, tiền hạt đính kèm,... khi đi bán đi nghiễm nhiên bị trừ hao 2 phần đó. Người thu mua vàng chỉ cân vàng tính tiền, chứ không trả lại tiền công và tiền hạt đâu, nên mua vàng trang sức hoặc vàng chế tác sẽ rất lỗ đấy. Mua vàng làm của để dành thì vàng nhẫn trơn vẫn là lựa chọn số 1" - Một người có kinh nghiệm mua vàng tích sản khẳng định.