Trong cuộc sống này, có lẽ hầu như ai cũng phải đối mặt với vấn đề quản lý tiền bạc và tiết kiệm. Một số người chọn tiết kiệm tiền và sống luôn có ý thức về thu chi, để tích lũy nhiều của cải; trong khi nhiều người khác lại cảm thấy nên tận hưởng cuộc sống và hiện tại bằng cách chi tiêu thoải mái, miễn bản thân thích là được, “nếu không tận hưởng lúc này thì về già không còn sức”.
Nhưng bạn có biết rằng đối với những người ở độ tuổi trung niên và tuổi già, mặc dù hàng tháng có lương hưu nhưng vẫn có sự khác biệt lớn giữa tiết kiệm tiền và không tiết kiệm tiền. Vậy sự khác biệt đó là gì?
1. Chất lượng cuộc sống
Đối với những người không tiết kiệm tiền, chất lượng cuộc sống đương nhiên không thể tốt bằng, mọi chi tiêu hàng ngày, thậm chí là kế hoạch nào đó cũng bị hạn hẹp trong ngân sách hiện tại. Nếu lương hưu hoặc nguồn thu nhập nào đó nhiều hơn thì chất lượng cuộc sống có thể tạm ổn, nhưng nếu lương hưu chỉ đạt chuẩn trung bình, thậm chí chỉ đủ đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng ngày thì cuộc sống tuổi già sẽ rất khiêm tốn, khó có cái gọi là hưởng thụ.
Với những người luôn có ý thức tiết kiệm tiền từ trẻ, mặc dù cuộc sống tương đối đơn giản nhưng họ có thể làm nhiều việc bản thân muốn hơn khi về già, chẳng hạn như đi du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống… Ngoài ra, cảm giác an toàn trong lòng cũng đủ đầy hơn, tận hưởng ngày qua ngày vô lo vô nghĩ.
Bạn phải biết rằng khi con người già đi, các chức năng cơ thể không còn tốt như trước và dễ mắc tất cả các loại bệnh. Lúc này, một trận bệnh ập đến mà không có tiền trong túi thì thật sự bất lực.
2. Thái độ sống
Những người không tiết kiệm tiền có thể ôm tư tưởng “sống cháy hết mình ở hiện tại”. Song cách sống này cũng thật rủi ro nếu không có bệ đỡ phía sau (gia đình có điều kiện…). Sự ung dung, thậm chí thờ ơ lúc này chỉ mang tính tạm thời, về lâu về dài mới biết hậu quả khôn lường.
Những người tiết kiệm tiền, vì không phải quá lo lắng về chuyện cơm ăn áo mặc ở hiện tại và có đủ tiền để bảo vệ cuộc sống, nên họ có thể theo đuổi nhiều điều giá trị khác để làm phong phú thế giới tâm hồn.
3. Kỷ luật tự giác
Tiết kiệm tiền và không tiết kiệm, không chỉ là sự khác biệt giữa tiền bạc, mà còn là một biểu hiện của kỷ luật tự giác, thói quen sống hàng ngày. Bởi lẽ tiết kiệm tiền không đơn giản như bạn nghĩ, bạn cần phải có quan điểm sống tốt và khả năng kiểm soát bản thân. Kết quả là, người tiết kiệm tiền có xu hướng kỷ luật trong cuộc sống hơn và có thể giảm chi tiêu vào những cám dỗ không cần thiết.
Đồng thời, những người quen với việc tiết kiệm tiền cũng sẽ biết cách quản lý tài chính của mình tốt hơn, thậm chí còn biết cách khiến của cải nhân lên, giúp bản thân luôn có sự chuẩn bị cho tình huống bất ngờ nào đó.
4. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Có câu: “Bệnh lâu nằm trên giường mới biết con có hiếu hay không”.
Mặc dù câu này nghe rất đau lòng, nhưng nó cũng đúng ở nhiều khía cạnh. Người già cần được chăm sóc, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng công việc của con cái họ, và quan trọng hơn cả là áp lực tài chính nặng nề.
Nhưng nếu sở hữu túi tiền riêng, cha mẹ có thể giảm gánh nặng cho con cái, từ đó cũng ít xảy ra mâu thuẫn, gia đình vẫn hòa thuận tốt đẹp.
Hơn nữa, nếu về già có thể tự lo cho mình thì đây chính là sự tự do đáng quý. Không có con cái cũng có thể sống tốt, không cần làm phiền đến chúng.
Thật ra, tiết kiệm hay không là sự lựa chọn của mỗi người. Song mỗi lựa chọn đều có cái giá của nó. Dù tốt đến mấy cũng có rủi ro, xấu đến đâu cũng đều chứa đựng điểm sáng hy vọng.
Người ta có câu: “Có độc lập tài chính mới có tự do thật sự”. Điều này không những đúng ở tuổi trẻ, hôn nhân, mà còn thiết thực trong giai đoạn tuổi già.