Tiết lộ của người "trong nghề"

Dạo một phòng qua các con phố lớn nhỏ của Hà Nội, đâu đâu cũng thấy quán vịt, nhất là vịt nướng. Tưởng rằng món này chỉ "hút" khách vào những ngày lạnh. Nhưng giữa những ngày oi nồng, món thức ăn chế biến sẵn này vẫn được nhiều người lựa chọn.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt phóng viên tại các quán bán ngan, vịt quay là hình ảnh những chú vịt căng tròn, béo ngậy được kẹp trong vỉ nướng nghi ngút khói, toả mùi thơm lừng, kèm theo lời mời mọc chèo kéo ngọt lịm của chủ quán. Nhưng cũng khiến phóng viên thắc mắc một điều: Với hàng ngàn địa chỉ bán vịt nướng len lỏi khắp ngõ ngách, tiêu thụ một lượng vịt lớn đến khó kiểm soát được, vậy số vịt ấy từ đâu ra?

Tiết lộ công nghệ rợn người "vịt quay gia truyền" 1
Vịt quay thơm lừng mác "Vịt cro Vân Đình" mọc khắp Hà Nội

Theo tiết lộ của một người "trong nghề" vịt nướng: Vịt nướng vỉa hè chỉ yếu là vịt bệnh hoặc là hàng Trung Quốc đóng thùng tuồn về Việt Nam.

Theo tiết lộ của một người có thâm niêm gần chục năm gắn bó với "nghiệp" chế biến vịt, ngan nướng thì: Hiện nay, rất nhiều quán vịt nướng sử dụng nguồn thịt vịt là thịt đông lạnh lấy từ các chợ đầu mối hoặc các đầu nậu. Tất cả các nguồn này đa phần đều có xuất xứ từ Trung Quốc chuyển về qua đường tiểu ngạch.

Vịt đã chế biến, giết mổ từ các lò mổ Trung Quốc được đóng thùng tuồn qua biên giới và len lỏi vào các chợ đầu mối. Khi đến tay nhà hàng, quán chế biến, đa phần là vịt đã được giết mổ trước đó cả tuần, thậm chí là vịt chết dịch trước đó nhiều ngày hơn.

Để làm bắt mắt, các chủ quán phết lên thịt vịt một lớp phẩm màu hoặc nhúng vào hóa chất hương liệu màu khiến sau khi nướng vịt trông rất bắt mắt và có mùi thơm hấp dẫn. Đa phần các hóa chất, phẩm màu này đều độc hại và đã bị cấm, song trên thực tế vẫn được các chủ quán sử dụng một cách phổ biến.

Những bếp nướng thường được đặt ngay vỉa hè để thu hút khách, bụi và bẩn bắn đầy lên thịt vịt nhưng vẫn luôn có rất đông người mua vì giá thành vịt nướng ở quán rẻ hơn cả người dân tự mua vịt về nướng. Những phần thịt không bán hết lại được chủ quán xếp chung vào tủ lạnh, thùng đá với thịt vịt sống để hôm sau đem chế biến lại.

Tràn lan hóa chất siêu rẻ

Hỏi loại phụ gia dùng cho vịt nướng tại chợ Đồng Xuân, người bán hàng rôm rả giới thiệu loại phụ gia đựng trong lọ thủy tinh, nhìn thoáng qua dễ lầm tưởng đó là những lọ si rô. Những chai lọ này chúng có màu vàng sậm được người bán hàng cất kỹ, khi có khách hỏi mua người bán hàng mới mang ra cho khách. Cũng có cửa hàng đựng loại hóa chất này trong túi nilon, không hề có nguồn gốc, xuất sứ và hướng dẫn sử dụng. Mọi thứ cần biết đều do người bán cung cấp.

Tiết lộ công nghệ rợn người "vịt quay gia truyền" 2
Hóa chất giá rẻ bán tràn lan

Một chủ kiot chuyên cung cấp các loại phụ phẩm thực phẩm không ngần ngại "bật mí": Bột tạo màu và độ giòn cho vịt, ngan quay là sản phẩm độc hại nếu đem dùng cho thực phẩm, tuy nhiên, vẫn có khá nhiều người hỏi mua.

Mỗi 100gr hóa chất này được bán với giá 25.000 đồng, có thể sử dụng trong 4 - 5 tháng để tẩm ướp cho khoảng 3.500 - 4.000 con gà, vịt.

Cách pha chế rất đơn giản, chỉ cần xúc một ít cho vào xô, chậu rồi đổ khoảng 7-10 lít nước nóng ở nhiệt độ khoảng 70 độ C vào. Có thể dùng cồn cũng được nhưng đắt hơn nhiều. Sau đó nhúng vịt vào hỗn hợp này rồi để ráo trước khi đem phơi. Vịt khi nướng sẽ có màu vàng rất bắt mắt, có độ giòn và rất thơm. Vịt nếu không bán hết, hôm sau đem quay lại vẫn giòn và có thể để cả tuần mà không bị hỏng.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm: Việc lạm dụng chất bảo quản là các chất bị cấm sử dụng gây tác hại không nhỏ đối với sức khỏe người sử dụng, tích tụ trong cơ thể lâu ngày các chất này có thể trở thành tác nhân gây ra các bệnh như rối loạn tiêu hoá, thần kinh, ung thư...

Việc sử dụng hóa chất tạo màu đem lại hiệu quả kinh tế cho người kinh doanh, người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm cũng thấy "vừa con mắt" hơn.

Tuy nhiên, những hậu quả về mặt sức khoẻ không phát tác ngày một ngày hai, mà đang dần dần giết hại con người. Vì thế, là một ngành kinh doanh nhưng lại yêu cầu tính nhân văn trong hoạt động này.

Thêm vào đó, siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng cũng là biện pháp hữu hiệu để quán triệt việc lạm dụng, sử dụng các chất bảo quản, chất tạo màu trái phép hiện nay.