Nhưng, những tiết lộ gây sốc dưới đây sẽ cho thấy có nhiều chất bẩn trên cơ thể như: nấm, vi khuẩn, chất nhầy, mồ hôi, tế bào chết...

Mồ hôi chân

Bất cứ ai ngửi qua đôi giày thể thao đã qua sử dụng đều biết rằng bàn chân đổ mồ hôi rất nhiều nhưng chính xác là bao nhiêu thì không ai biết. Theo thống kê, đôi chân chứa khoảng 25.000 tuyến mồ hôi và sản xuất rất nhiều mồ hôi mỗi ngày, tương đương với nửa lít mồ hôi chân! Một phần chúng sẽ bốc hơi nhưng một phần sẽ lưu lại ở giày, tất và bàn chân gây nên những mùi đặc trưng. 

Mồ hôi quá nhiều sẽ tạo ra một môi trường ẩm cho các vi khuẩn phát triển mạnh và gây mùi. Quá nhiều mồ hôi cũng dễ khiến bạn nhiễm nấm, đặc biệt những vận động viên thường xuyên phải đi giày và tập luyện thể thao với cường độ mạnh. Do đó, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên: nên thường xuyên rửa sạch chân, đi bộ bằng chân trần để đôi chân của bạn được nghỉ ngơi.

Tế bào da chết

Phần ngoài cùng của biểu bì là tầng sừng, bao gồm các tế bào da chết được gọi là corneocytes xếp sít vào nhau rất dễ bong ra. Lớp tế bào sống gồm các tế bào có khả năng phân chia thành các tế bào mới chứa các hạt sắc tố tạo nên màu da, tồn tại trực tiếp ngay bên dưới lớp sừng này. Khi một tế bào sinh ra ở lớp đáy của da, phải mất một tháng để đẩy lên lớp bề mặt và bong. Lớp da ngoài cùng sau khi bị loại bỏ nhường chỗ cho khoảng 500 triệu tế bào mới mỗi ngày. Khi tắm, bạn dùng bọt biển, hòn kỳ, khăn có thể gột rửa phần nào tế bào da chết và vi khuẩn.

Miệng

Miệng con người là nơi sinh sống của 500 - 1.000 loại vi khuẩn khác nhau theo nghiên cứu từ Trường Nha khoa Case Western Reserve. Từ đúng nhất để mô tả môi trường trong miệng sẽ là “khu rừng” vi sinh vật, vì nó chứa số lượng lớn các vi sinh vật, trong đó bao gồm vi khuẩn, virut, động vật nguyên sinh và nấm. Vi khuẩn có số lượng lớn nhất với 100 triệu cho mỗi ml nước bọt thuộc hơn 600 loài khác nhau. 

Ngay cả khi bạn đánh răng nhiều lần cũng không thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Tuy nhiên cũng không cần lo lắng quá về điều này vì đa phần chúng là những vi khuẩn có lợi, chúng giúp kiểm soát số vi khuẩn có hại, virut, động vật nguyên sinh và nấm.


Tắm rửa thường xuyên hằng ngày để tẩy tế bào da chết.

Tế bào sừng ở tóc

Các nang lông/tóc tập trung nhiều nhất ở trên da đầu và da cơ thể ngoại trừ nơi không có lông là lòng bàn tay, lòng bàn chân và đầu dương vật. Bạn có thể thấy lớp lông/tóc gần như bao phủ toàn cơ thể bạn. Mỗi nang lông/tóc được lót bởi các tế bào mầm và sản xuất sừng (keratin) và tế bào biểu bì tạo hắc tố tổng hợp sắc tố. Thành phần chính tạo nên sợi tóc là chất sừng keratin chiếm trên 70% (gồm nhiều loại protein). Keratin cũng chính là cấu thành chính của móng tay, chân và lớp ngoài cùng của da.

Con người phát triển lông/tóc mỏng nhất so với các loài linh trưởng khác nhưng trên thực tế chúng ta có mật độ nang tương tự với tinh tinh và khỉ đột. Tính trung bình mỗi người có khoảng 5 triệu nang lông bao phủ khắp cơ thể, do đó cơ thể người cũng có rất nhiều chất sừng.

Chất nhầy

Nếu bạn đang ở trong một môi trường đầy bụi bặm và hít bụi vào thì chất nhầy trong mũi sẽ làm nhiệm vụ giữ lại những hạt bụi không cho chúng có cơ hội chui vào phổi và thành xoang và sau đó đẩy chúng ra ngoài cùng với nước mũi. Cơ thể người sản xuất 1/4 lít chất nhầy mỗi ngày. Có thể bạn sẽ thấy ghê tởm với chất nhầy nhưng sẽ khá tồi tệ nếu không có nó. Bởi chất nhầy có đầy đủ các loại kháng virut mạnh, kháng khuẩn và hóa chất bảo vệ khác để giúp cơ thể bạn khỏe mạnh. Trên thực tế, mũi không phải là nơi duy nhất chất nhầy thoát ra khỏi cơ thể, đặc biệt nếu bạn là một người phụ nữ. Cổ tử cung là một trong những đường chất nhầy ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, chất nhầy còn có trong miệng, mũi, xoang, họng, phổi và dạ dày. Theo GS.TS. Neil Schachter tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) thì thời tiết lạnh góp phần làm tăng lượng chất lỏng được sản xuất trong khoang mũi. Cơ thể mỗi người sản xuất chất nhầy ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và hệ thống miễn dịch.

Axit mạnh

Axit dịch vị trong dạ dày chứa một lượng axit hydrochloric mạnh đủ để tiêu diệt và ăn mòn kim loại. Tuy nhiên, vi khuẩn dạ dày của bạn có đủ kiên cường để sống sót trong môi trường axit đậm đặc trong dạ dày. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chất nhầy trong cơ thể để cân bằng lượng axit này. Nếu sự cân bằng trong dạ dày mất sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Nấm

Cơ thể chúng ta chứa hơn 100 loài nấm khác nhau. Nấm có thể phát triển trong dạ dày, đường tiết niệu, âm đạo hoặc lưỡi và thậm chí trên da. Một trong những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến nấm đó là nhiễm nấm Candida. Bình thường, loại nấm này ký sinh trên cơ thể người và không có biểu hiện gì. Khi môi trường pH âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho nấm phát triển gây ra các triệu chứng của bệnh. Trong các bệnh do nấm gây ra, bệnh nấm sinh dục do Candida thường hay gặp và tiến triển mạn tính, tái diễn nhiều lần, điều trị khó khăn.

Vi khuẩn

Bạn có thể không nhìn thấy cũng không cảm thấy vi khuẩn trên cơ thể bạn nhưng chắc chắn rằng chúng luôn ở đó. Và đừng ghét bỏ chúng vì bạn không thể sống mà thiếu chúng. Đôi khi, vi khuẩn cũng gây ra những tác hại đối với cơ thể, ví dụ như bọ ve phát triển ở lông mi và sống ở nơi có bã nhờn. Tuy nhiên, về cơ bản, vi khuẩn trong cơ thể bạn vẫn là vi khuẩn có lợi nhiều hơn là vi khuẩn có hại.

Tuy nhiên, nếu nhiễm khuẩn hoại tử thì rất nguy hiểm. Hoại tử Fasciitis là vi khuẩn ăn thịt - đây là loại nhiễm khuẩn cần xử lý nhanh chóng vì nó sẽ dẫn đến tình trạng suy tạng và phải cắt cụt chi, thậm chí dẫn đến tử vong. Hoại tử Fasciitis thường xuất hiện sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Một khi bạn bị nhiễm loại vi khuẩn này, vết thương sẽ trở nên rất nguy hiểm mặc dù chỉ với một vết cắt nhỏ, vi khuẩn sẽ tấn công hệ thống miễn dịch.