Sẽ kết hợp du lịch cộng đồng
Trong buổi họp báo giới thiệu về Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng, các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số, trả lời câu hỏi của PV báo điện tử Tổ Quốc về tính nổi bật của Na Chi Lăng khiến người dân cả nước và nhiều nước săn lùng, bà Trần Thanh Nhàn – Bí thư huyện khẳng định, trong những năm gần đây Na Chi Lăng đã có thương hiệu và vị thế trong ngành nông sản.
Tiết lộ về thương hiệu Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.
Diện tích ước đạt trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng, bởi vì đây là khu vực núi đá vôi. Giống na được trồng ở khu vực núi đá vôi sẽ hấp thụ chất calci từ mạch nước.
"Chính vì vậy nhiều người dân nhận thấy, họ dùng na và các sản phẩm nông sản ở đây đều ít bệnh xương khớp", bà Nhàn tiết lộ người dân địa phương gọi Na Chi Lăng là 'vàng trên núi'.
Bà Nhàn cho biết thêm, huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 40km, từ xa xưa Chi Lăng đã có một vị trí trọng yếu là cửa ngõ chính ở phía Bắc tổ quốc, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc.
Đất Chi Lăng gắn với nhiều di tích lịch sử, giao thông thuận lợi nên hiện nay địa phương đang dần hình thành mô hình kết hợp du lịch cộng đồng để du khách có thể đến thăm vườn na và thưởng thức.
Còn, ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, lãnh đạo đã tới từng hộ dân, phổ biến cho từng người lao động sản xuất cây na tốt, sạch.
Theo ông Trường, sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo kỹ sư, chuyên gia triển khai kỹ thuật đến tận các hộ dân theo quy trình rất nghiêm ngặt. Một trong những kỹ thuật và kinh nghiệm giúp người dân bội thu đó là yêu cầu tất cả các hộ dân trồng na dùng túi nilong bọc trái.
"Trước khi bọc từng trái na vài ngày, người ta sẽ phun thuốc diệt trùng, bọc vào là để cho khi thu hoạch. Như vậy sẽ hoàn toàn triệt tiêu được thuốc và tránh bọ rệp xâm nhập".
Ông Trường cho biết, nhờ cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản vốn nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu. Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, khang trang, sạch đẹp.
"Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định diện tích sản xuất các vùng nông sản chủ lực; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm, tạo mọi điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm hình thành chuỗi giá trị", Chủ tịch huyện Chi Lăng nói thêm.
Không sợ na ế và rớt giá
Lãnh đạo UDND huyện Chi Lăng thông tin, tại những vườn na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân tấp nập vận chuyển na ra bán cho các thương lái.
Cụ thể diện tích na trên địa bản Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha.
Cũng theo lãnh đạo huyện Chi Lăng, chính vì đảm bảo nghiêm ngặt các quy trình theo tiêu chuẩn, người dân hoàn toàn có thể "điều chế" được sự phát triển của na.
"Ngày xưa chưa có kỹ thuật, cây na rất cao, nhiều quả. Bây giờ, mỗi cây 100 quả, người ta sẽ chỉ để lại khoảng 30 đến 35 quả và cũng có thể tính toán được thời điểm na chín. Cây sẽ cho trái to, giá trị thu về trên 100 nghìn/kg, thay vì số lượng nhiều mà trái bé thì chỉ thu hoạch từ 15 đến hơn 20 nghìn/kg, tính ra thì cũng không hơn", ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng phân tích.
Chia sẻ niềm vui sau mùa thu hoạch bội thu, chị Nông Thư (sống tại thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn) cho biết, trong những ngày này, gia đình chị thường dậy từ sớm để leo lên núi hái na.
"Có 2 loại na bở và na dai, na được thu hoạch khi mắt mở to, vỏ dần chuyển màu xanh nhạt, ngả trắng sáng. Khoảng 2 tiếng buổi sáng, mỗi người chúng tôi chọn lọc và cắt được khoảng 45kg na", chị Thư nói.
Theo ghi nhận, sau khi thu hái, na được người dân đưa về địa điểm tập kết tiến hành phân loại và xếp vào thúng để mang xuống chợ.
Theo tiết lộ của người dân, đây cũng là "mỏ vàng" của họ, nhờ có na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.
Mỗi gánh na gần nửa tạ được người dân lần lượt chuyển bằng xe máy từ trên núi xuống qua lối đường mòn khúc khuỷu, cheo leo vách đá.
Cận cảnh thu hoạch đặc sản Lạng Sơn