Bức xúc vì chồng chê "tiêu tiền núi cũng hết"
Trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay, việc chi tiêu sao cho khéo léo là bài toán khó với nhiều gia đình, nhất là cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ.
Ở vùng nông thôn chi tiêu hợp lý đã khó, nhưng ở thành phố còn khó hơn gấp bội phần, khi mà từ củ hành đến mớ rau đều phải bỏ tiền ra mua.
Mới đây, một chị vợ có tên là H. đã đăng đàn bức xúc khi bị chồng chê bai "ăn tiêu như phá mả", ''hoang phí'',... Theo chị H. gia đình nhà chị tính cả trẻ nhỏ nữa là 6 người, 1 tháng chị chi tiêu hết hơn 15 triệu. Chị H. cho rằng mình đã rất tiết kiệm, ấy mà chồng còn trách cứ được, chính vì vậy chị đã lên mạng nhờ mọi người phân xử.
Nguyên văn lời chia sẻ của chị H.: ''Em vừa cãi nhau với chồng 1 trận các chị ạ.
Nhà em 4 người lớn, 2 vợ chồng em, ông bà, 2 đứa con nhỏ, tháng em chi tiêu hết hơn 15 triệu thì bị chồng chửi là ''tiêu tiền như rác, phá của, không biết tính toán, hoang phí''...
Các chị nghĩ mà xem, 2 đứa con nít đã tốn biết bao nhiêu là tiền bỉm, tiền sữa, tiền học hàng tháng. Con em đứa đầu học cấp 1 trường công nên đỡ, đứa thứ 2 học mẫu giáo đã mất 3 triệu/tháng rồi.
Bên cạnh đó tiền điện nước, tiền gas, tiền xăng xe tháng nào cũng tốn gần 2 triệu. Tiền chi tiêu cho việc ăn uống trong nhà cũng nhiều. Đã thế hôm nào không có món ngon là chồng em lại ngoạc cái mồm ra kêu ''ăn uống vậy thì nuốt sao nổi''.
Mọi người thử xét xem em tiêu thế là hợp lý hay hoang phí?".
Chị H. còn cho biết thêm, biết chồng vất vả kiếm tiền nên chị cũng đi làm, thu nhập khoảng 10 triệu/ tháng. Số tiền này chị cũng thêm vào với anh chồng để lo toan mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Ấy vậy mà anh còn chưa ưng, nên chị mới bức xúc. Chị nghĩ, nếu chị ở nhà trông con, không kiếm ra tiền, không biết sẽ bị chồng khinh bỉ đến thế nào nữa.
Câu kết chị H. nghiệm ra rằng: "Phụ nữ phải lo toan hết mọi việc trong nhà, con cái, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, kiếm tiền, vậy mà gặp phải người chồng không biết cảm thông. Đúng là không sợ lấy chồng nghèo, chỉ sợ lấy phải chồng ích kỷ, vô tâm".
Chia sẻ của chị H. nhanh chóng nhận được nhiều lượt quan tâm của dân mạng. Đa phần mọi người đều về phe chị cho rằng mức chi tiêu như thế này là hợp lý, thậm chí có ý kiến còn nhận định chị H. rất tiết kiệm là đằng khác!
Bởi theo phân tích của nhiều chị em, 1 đứa trẻ tầm 2-3 tuổi trung bình mỗi tháng cũng phải chi 6-7 triệu cho chúng. Bởi riêng tiền học cũng đã 3 triệu/tháng, tiền sữa, tiền bỉm cộng vào cũng phải xấp xỉ 2 triệu/tháng. Đó là còn chưa kể tiền ăn ở nhà, tiền ăn vặt, tiền đồ chơi, quần áo... của chúng. Con khỏe thì không sao, con ốm đi viện là vèo 1 cái hết vài triệu ngay. Ấy vậy mà nhà chị H. có những 2 đứa trẻ nhỏ. Đứa lớn tuy đã vào lớp 1, tiền bỉm không mất nữa, nhưng có khi còn tốn tiền học thêm...
Một số chị em "mách nước'' cho H. rằng, cứ giao lại việc phải chi tiêu trong nhà cho chồng, vừa nhẹ gánh mà không bị đau đầu và bị chê trách. Để xem anh ấy có trụ nổi 1 tháng không? Và cũng không ít người chỉ trích anh chồng ích kỷ. Chị H. đã đi làm lương 10 triệu/tháng để phụ vào chi tiêu trong gia đình cùng với anh, vậy mà anh còn chê chị hoang phí, tiêu tiền như rác...
Hướng dẫn cách chi tiêu trong gia đình
Chi tiêu cho cá nhân khác với chi tiêu trong gia đình. Nhiều người với thu nhập đó thì có thể thoải mái tiêu cho riêng mình. Nhưng sau khi kết hôn, họ phải lo cho người thân, con cái... thì bắt đầu phải cân đo đong đếm từng khoản sao cho hợp lý. Dưới đây là 1 cách mọi người có thể tham khảo để chi tiêu trong gia đình hiệu quả.
* Đầu tiên phải thiết lập kế hoạch chi tiêu
- Thiết lập kế hoạch chi tiêu cần: Liệt kê và ước lượng được số tiền phải chi tiêu hàng tháng của gia đình. Rồi dựa vào con số chi tiêu cố định đó và tổng thu nhập của gia đình, con số mong muốn tiết kiệm để điều chỉnh các khoản chi theo nhu cầu khác.
Một số quy tắc quản lý tài chính hiệu quả:
+ Quy tắc 50/20/30 – Quy tắc quản lý tài chính hiệu quả
Theo quy tắc này, thu nhập nên được phân bổ vào ba nhóm chính: 50% dành cho nhu cầu, 30% dành cho mong muốn và 20% còn lại dùng để tiết kiệm.
+ Quy tắc 6 chiếc lọ
Theo quy tắc này, mỗi chiếc lọ hay mỗi tài khoản sẽ có mục đích riêng. Nếu coi tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 100% thì mỗi chiếc lọ này sẽ chiếm một khoản nhất định. Cụ thể: Tài khoản chi tiêu cần thiết 55%, Tài khoản tiết kiệm dài hạn 10%, Tài khoản dành cho giáo dục 5%, Quỹ hưởng thụ 10%, Quỹ tự do tài chính 10%, Tài khoản từ thiện 10%.
* Cắt giảm các chi tiêu không cần thiết
Trong chi tiêu gia đình, sẽ có những khoản nếu chúng ta biết cách tận dụng thì sẽ tiết kiệm được 1 ít tiền. Ví dụ: Nấu ăn sáng cho cả nhà sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc các thành viên đều ra ngoài ăn sáng.
Hãy rèn thói quen cho cả gia đình tiết kiệm chi tiêu từ những thứ nhỏ nhất. Cả tháng cộng lại bạn có thể bất ngờ với số tiền mình tiết kiệm được đó!
* Ghi chép chi tiêu
Việc ghi chép chi tiêu sẽ giúp bạn nhìn lại một cách chi tiết nhất các khoản chi của mình trong thời gian qua. Bạn có thể kiểm soát chi tiêu tốt hơn khi đặt ra hạn mức chi và theo dõi chi tiêu hàng ngày.