Vợ chồng chị Thu anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cưới nhau từ cuối năm 2018. Chị Thu làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài lương tháng 14 triệu.

Anh Tuấn - chồng chị làm trong phòng kinh doanh của một công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, thu nhập bình quân 16 triệu/ tháng.

Vợ chồng chị cùng quê Ninh Bình lên thành phố lập nghiệp. Sau cưới, 2 người thuê một căn chung cư mini ngay trung tâm thành phố để tiện đi lại.

Tuy nhiên khi được hỏi với mức thu nhập như thế, vợ chồng anh chị có để dành ra được khoản tích lũy nào thì chị Thu lại than thở: "Nói thật, vợ chồng mình cưới nhau tính tới nay cũng xấp xỉ 2 năm. Thu nhập cả hai cộng lại là 30 triệu/ tháng nhưng vợ chồng mình vẫn đang trong tình trạng 'vô sản'. Lương tháng nào nhận cũng tiêu hết cả. Thậm chí có tháng còn không đủ chi tiêu, chồng mình còn phải ứng lương thì nói gì tới tích lũy, tiết kiệm".

Tiêu 30 triệu/tháng, cặp vợ chồng son khốn đốn vì lấy nhau đã 2 năm vẫn phải sống cảnh nợ nần tới mức chưa dám sinh con - Ảnh 2.

Căn hộ đi thuê giá 6 triệu. (Ảnh minh họa)

Theo chia sẻ của chị Thu, 1 tháng các khoản chi tiêu cơ bản của vợ chồng chị như sau:

Tiền nhà: 6 triệu

Tiền điện nước: 1 triệu

Tiền ma chay, hiếu hỉ, nội ngoại hai bên: 2 triệu

Sinh nhật, cưới hỏi bạn bè: 2 triệu

Mỹ phẩm, làm đẹp của vợ: 2.5 triệu

Chi tiêu nước nôi, cà phê của chồng: 2 triệu

Tiền ăn: 4 triệu

Chị Thu cho biết, vợ chồng chị có thói quen một ngày chỉ ăn ở nhà duy nhất 1 bữa tối. Còn buổi sáng, trên đường đi làm ai thích ăn gì thì ăn.

Chồng chị "nghiện" phở, 1 tháng 30 ngày không sáng nào thiếu phở được. Tính ra trung bình tiền ăn sáng + cà phê của chồng chị hết khoảng 1.7 triệu. Còn chị hôm ăn xôi, hôm ăn bánh cuốn, bún, cháo… cũng hết tầm 1 triệu. Buổi trưa cả hai vợ chồng chị đều được công ty hỗ trợ tiền ăn nên không tính.

Đặc biệt theo chị Thu, khoản tiêu tốn nhất của nhà chị chính là những ngày cuối tuần. Vợ chồng chị đều có sở thích dạo phố cuối tuần, hoặc tới những trung tâm giải trí để xem phim, mua sắm xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng.

Chi phí cho 1 buổi đi chơi như thế thường chị không kiểm soát được vì anh chị mua đồ, ăn uống theo cảm hứng. Hôm nào tiết kiệm cũng phải tiêu hết 800 - 900k còn không sẽ hết 1 đến 2 triệu.

"Ngoài ra vợ chồng mình cũng hay đi thăm quan du lịch. Bọn mình ưa di chuyển, có thời gian rảnh vợ chồng lại rủ nhau khăn gói lên đường. Vào những ngày nghỉ lễ dài, chúng mình sẽ đi xa. Ít thời gian thì đi loanh quanh mấy vùng lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh…

Ngày ăn 1 bữa tối ở ở nhà, cuối tuần lang thang dạo phố, cặp vợ chồng son thu nhập tháng 30 triệu vẫn phải sống cảnh nợ nần tới mức chưa dám sinh con - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Cũng vì rong chơi đây đó nhiều, không ăn uống ở nhà mấy nên tiền chi tiêu sinh hoạt của gia đình bị đội lên trông thấy, lắm khi vượt tầm kiểm soát. Có đợt chưa hết tháng vợ chồng đã tiêu sạch tiền, sau phải vay bạn bè rồi ứng lương tiêu tạm.

Lắm khi mệt mỏi vì chuyện tài chính kinh tế, mình than vãn với các chị cùng cơ quan. Hầu hết mọi người đều nhận xét vợ chồng mình chi tiêu chưa khoa học mới như vậy.

Ngày ăn 1 bữa tối ở ở nhà, cuối tuần lang thang dạo phố, cặp vợ chồng son thu nhập tháng 30 triệu vẫn phải sống cảnh nợ nần tới mức chưa dám sinh con - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Mình cũng tự nhận thấy bản thân chưa biết cách quản lý tài chính gia đình. Hai vợ chồng không ít lần ngồi bàn nhau phải lên kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn để hàng tháng có khoản tích lũy lo mua nhà cửa mà mãi không thực hiện được.

Nhất là chuyện con cái, vợ chồng cưới gần 2 năm rồi vẫn chưa dám tính tới chuyện sinh nở. Nghĩ cảnh đi thuê nhà, tiền thì tiêu chưa hết tháng đã nhẵn ví, nếu giờ mà có thêm đứa trẻ ra đời không biết vợ chồng xoay xở kiểu gì. Chính vì thế mà mình đành gác chuyện sinh em bé lại, đợi thời gian nữa kinh tế ổn hơn rồi tính", chị Thu chia sẻ.