Gần sát Rằm tháng 7, phố Hàng Mã vốn nổi tiếng là "thủ phủ" đồ lễ ở Hà Nội không có cảnh tấp nập như mọi năm. Dọc con phố, hàng chục cửa hàng, kiot nằm san sát nhau đều treo đủ mặt hàng độc đáo nhất để thu hút sự chú ý của người đi đường và hút khách nhưng không tránh khỏi cảnh ế ẩm, thưa thớt khách.

Không còn cảnh khách dùng ô tô, xe tải đến chở đơn hàng vàng mã tiền triệu khiến con phố ùn tắc, thay vào đó chỉ là khách lẻ mua vài bộ đồ lễ có giá rẻ, khiến cho loạt "nhà lầu", "xe sang" ế ẩm. Những người bán hàng lâu năm tại con phố này cho biết, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng khiến họ gặp không ít khó khăn.

Chủ một kiot trên phố Hàng Mã cho biết, so với năm trước, đơn đổ sỉ cho khách tỉnh giảm nhiều nhất nên lượng hàng nhập về đây đã giảm gần một nửa so với năm trước. Thay vì lựa chọn những loại vàng mã kích thước lớn và đắt tiền như ngựa, ô tô, nhà lầu… khách lẻ giờ đa phẩn chọn mua đồ nhỏ, vừa đủ đồ lễ dâng cúng như quần áo, giày dép hay tiền giấy.

Thậm chí, một số loại túi xách là hàng mới năm nay, được làm khá đẹp cũng không có khách "mặn mà".

Cảnh tượng chưa từng thấy ở chợ cõi âm nổi tiếng Hà Nội - Ảnh 1.

Nhiều tiểu thương cho biết, năm nay vàng mã bán rất chậm.

Cảnh tượng chưa từng thấy ở chợ cõi âm nổi tiếng Hà Nội - Ảnh 2.

Dù đã sát ngày Rằm tháng 7 nhưng các cửa hàng đều thưa thớt khách mua.

Cảnh tượng chưa từng thấy ở chợ cõi âm nổi tiếng Hà Nội - Ảnh 3.

Những người bán hàng không còn tất bật, bận bịu như nhiều năm trước.

"Cả sáng nay mới bán được 200.000 đồng tiền hàng", bà Nga chủ kiot cách đó không xa than thở. Tiểu thương cho hay, cùng thời gian này các năm trước cửa hàng "cháy" các loại vàng mã, đồ lễ, phải huy động người nhà bán phụ giúp để kịp trả hàng cho khách, nhưng năm nay tình hình khó khăn hơn cả.

"Ô tô lấy về bày đó nằm ám bụi chứ có ai hỏi mua đâu, cả tháng mới bán được một cái. Cả chục năm bán đồ lễ, lần đầu tiên tôi thấy ế ẩm thế này. Làm nghề bán đồ cho người cõi âm, cả năm trông chờ ngày Rằm tháng 7, mà giờ cứ tình trạng vắng vẻ thế này thì buồn quá", bà Nga tâm sự.

Nhà lầu, xe hơi cho người cõi âm không đắt khách như năm trước.

Cảnh tượng chưa từng thấy ở chợ cõi âm nổi tiếng Hà Nội - Ảnh 5.

Túi xách cho người cõi âm cũng không được "săn đón".

Dạo một vòng hãng Mã, chị Thu Hà (trú tại Hàng Lược, Hà Nội) cho biết, chị chỉ mua bộ lễ giá 50.000 đồng để dâng trong ngày Rằm tháng 7 sắp tới. Từ hai năm nay, gia đình đã hạn chế việc đốt vàng mã ồ ạt vì chi phí quá tốn kém và lãng phí, cộng thêm năm nay thu nhập kém hơn do dịch Covid-19 khiến chị phải cân nhắc tiết kiệm hơn.

"Ngày Rằm lớn nhất năm thì ai cũng muốn mua đồ dâng lễ cho tươm tất, nhưng cũng phải hợp với thời cuộc, tài chính nữa, quan trọng nhất là cái tâm hướng về tổ tiên, không làm việc ác, không sát sinh... chứ không phải cứ dâng lễ hoành tráng là đủ", chị Hà nói.

Vàng mã có giá bình dân được ưa chuộng nhiều hơn.

Không chỉ Hàng Mã, các chợ dân sinh ở Hà Nội cũng thiếu vắng những loại vàng mã cỡ lớn, có giá từ 400.000 đồng đến cả triệu đồng. Thay vào đó, phổ biến nhất là bộ quần áo có giá từ 20.000 – 30.000 đồng, giày dép có giá từ 15.000 đồng/bộ, tiền giấy có giá từ 10.000 đồng/bộ. So với năm trước, một số món đồ giảm giá nhẹ để hút khách.

Cũng để thích nghi với hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiểu thương cũng đăng đàn lên Facebook, zalo và sàn thương mại điện tử để bán vàng mã, đồ cúng… khiến cho nhiều chợ online nhộn nhịp cảnh rao bán.