Tiêu xài hoang phí hay quá tiết kiệm là hệ quả của tổn thương thời thơ ấu
Lớn lên trong một gia đình không ổn định về mặt tài chính, thiếu thốn tiền mặt là chuyện cơm bữa có thể để lại ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn xử lý tiền bạc khi trưởng thành, bất kể bạn có thành công đến đâu.
“Khi còn nhỏ, nếu bạn thấy mỗi ngày đều trải qua khó khăn về tài chính. Thì khi trưởng thành, bạn luôn sợ mình sẽ đánh mất tất cả", Mars Nevada (Giám đốc nghệ thuật của công ty quảng cáo) chia sẻ trên chương trình podcast của CNN.
Trong khi đó, cố vấn tài chính Ed Coambs, đồng thời là tác giả của cuốn sách Tình yêu lành mạnh và con đường tiền bạc: Bốn kiểu gắn bó tác động đến hạnh phúc tài chính của bạn như thế nào? ( The Healthy Love & Money Way: How The Four Attachment Styles Impact Your Financial Well-Being?) - nhận định: Trẻ em có thể tiếp thu sự căng thẳng và lo lắng khi chứng kiến cha mẹ mình thường xuyên gặp khó khăn về tài chính.
Do đó, cách bạn xử lý tiền bạc ở tuổi trưởng thành có thể là kết quả của chuỗi quản lý cảm xúc đối với những tác nhân gây căng thẳng thời thơ ấu. Phản ứng thường thấy là bạn trở nên quá tiết kiệm, hoặc thường xuyên chỉ trích nếu bạn đời lỡ tiêu tiền quá tay. Hoặc ngược lại, bạn có thể quá vô tư với tiền bạc đi kèm lối suy nghĩ “hãy sống cho hôm nay vì ngày mai số tiền đó có thể sẽ biến mất.”
Ed Coambs cũng chỉ ra, các trải nghiệm đau thương thời thơ ấu không liên quan trực tiếp đến chuyện tiền bạc, chẳng hạn cảm giác không được cha mẹ yêu thương hoặc bị lạm dụng tình dục - vẫn có thể dẫn đến những hành vi quản lý tài chính sai lầm.
Ví dụ: Một số người chi tiêu quá mức vào các món đồ không cần thiết vì nghĩ chúng nâng cao giá trị bản thân. Điều này thể hiện tâm lý sợ bị chối bỏ mà họ thường xuyên cảm thấy khi còn nhỏ.
Làm thế nào để xây dựng lại mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc?
Chấn thương ở thời thơ ấu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tài chính của bạn như khó lập ngân sách chi tiêu, quá tiết kiệm hay thích vung tiền cho những món đồ không lành mạnh… Ví dụ như bạn có thể thấy mình tiêu quá mức cho món đồ không cần thiết, hoặc bị thu hút bởi các khoản đầu tư hứa hẹn sinh lời nhanh chóng.
Điều quan trọng là bạn phải thừa nhận và phát hiện mình gặp vấn đề về tiền bạc. Đừng cố gắng phớt lờ vì tin rằng nó sẽ tự biến mất. Bởi chúng không chỉ bộc lộ cách bạn hành xử sai với tiền mà còn là tổn thương thời thơ ấu. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể cần đến việc nói chuyện với bạn bè, gia đình về những lo ngại tài chính hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Hãy nhớ rằng, tiền không chỉ có một mặt là tốt hay xấu. Nó đơn giản là công cụ giúp bạn đạt được cuộc sống mà mình mong muốn. Với cách tiếp cận và thái độ đúng đắn, bạn có thể học cách quản lý tài chính theo cách phù hợp với mình. Và trên hết – hãy tử tế với bản thân, Câu chuyện tiền bạc là của riêng bạn và điều quan trọng cần nhớ là giá trị của bạn không chỉ phụ thuộc vào độ mỏng, dày của ví.
Một cách khác để giải quyết tổn thương liên quan tiền bạc là bắt đầu lên kế hoạch tài chính và thực hiện các thử thách chi tiêu. Thời gian đầu có thể khó khăn và thành quả không chỉ đến sau một đêm. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện từng bước mở để xây dựng lại các thói quen tài chính tốt, bạn sẽ dần có mối quan hệ lành mạnh hơn với tiền và vượt qua tổn thương tâm lý thời thơ ấy.