TikToker "triệu view" mới 30 tuổi đã bị suy thận vì những thói quen giới trẻ cực thích

Hot TikToker T.T.Y (SN 1993) là một trong những cái tên quen thuộc trên cộng đồng TikTok. Những video mà cô nàng chia sẻ đều mang lại cảm giác vui vẻ, năng động vì thế kênh đã đạt được hàng triệu lượt xem và gần 500 nghìn lượt follow.

Gần đây, T.Y khiến người xem bất ngờ khi tiết lộ bản thân đã mắc bệnh suy thận giai đoạn 3B từ lâu. Đây là giai đoạn thận không thể phục hồi nữa, chỉ có thể tìm cách để bảo tồn và chờ đến ngày chạy thận hoặc thay thận.

Cô nói, ngay từ khi được bác sĩ chẩn đoán căn bệnh nan y, cô đã hoàn toàn không thể tin được bởi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.

"Tôi ăn uống khoa học, chạy bộ, bơi lội... tôi vận động, tôi vui vẻ sao tôi bị bệnh được. Đâu có tin đâu, không hề tin luôn", nữ TikToker chia sẻ.

TikToker "triệu view" suy thận độ 3 vì nhiều thói quen xấu- Ảnh 1.

T.Y khiến người xem bất ngờ khi tiết lộ bản thân đã mắc bệnh suy thận giai đoạn 3B từ lâu.

Tuy nhiên sau khi nhớ lại các dấu hiệu bệnh mình đang có, cũng như những thói quen không tốt bản thân thực hiện từ ngày còn trẻ... cô đã hiểu vì sao bản thân mắc bệnh.

T.Y chia sẻ, nguyên nhân khiến bản thân bị bệnh đến từ việc ăn uống, ngủ nghỉ hàng ngày kém khoa học, cụ thể là:

- Cô rất đam mê việc ăn thịt nướng. Nhưng cũng vì ăn quá nhiều dẫn đến thận không lọc được đạm, cuối cùng gây suy thận.

- Nguyên nhân thứ hai là do cô quá thích uống nước đá, bất chấp trời nóng hay lạnh. Điều đó gây viêm họng kéo dài, cuối cùng ảnh hưởng đến thận.

- Nguyên nhân cuối cùng T.Y chia sẻ là do cô đã thức khuya trong thời gian dài. Kể từ ngày còn đi học, Y đã vừa học vừa làm, mỗi đêm chỉ ngủ 2-3 tiếng, điều đó khiến thận hoạt động quá tải.

Nói về dấu hiệu phát hiện bệnh, T.Y nói rằng mọi thứ không quá rõ ràng. Đến khi suy thận trở nặng thì cô mới nhận thấy các dấu hiệu như nước tiểu nhiều bọt, màu sắc nước tiểu hơi đỏ, dễ bị đau lưng, dễ bị cảm, bị đau mắt, huyết áp tăng cao...

Hiện tại mỗi tháng, Y chi khoảng 5 triệu tiền mua thuốc, đồng thời phải đến bệnh viện 1 tháng/lần để kiểm tra các chỉ số về thận.

Cảnh báo giới trẻ về bệnh suy thận mà bản thân đang mắc phải, Y nói: Các bạn trẻ bây giờ đến 1-2h sáng mà còn thức thì sau này bước qua tuổi 30 sẽ phải ân hận. Nếu còn có lối sống không lành mạnh, còn lao lực để kiếm tiền thì hy vọng các bạn hãy kiểm soát lại, thay đổi chế độ ăn uống... Ngoài ra, hãy đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tránh hại thận.

Đoạn video dài 4 phút mà T.Y đăng tải trên tài khoản TikTok đã nhanh chóng nhận về hàng triệu lượt xem, cùng rất nhiều lượt bình luận của cộng đồng mạng.

Những thói quen gây hại cho thận mà ai cũng mắc phải

TikToker "triệu view" suy thận độ 3 vì nhiều thói quen xấu- Ảnh 2.

Ngoài những thói quen gây suy thận mà T.Y chia sẻ, còn có nhiều nguyên nhân khác có thể khiến thận của bạn bị tổn thương. Ví dụ như 5 thói quen dưới đây:

1. Nhịn tiểu quá lâu

Khi một người nhịn tiểu sẽ làm áp suất trong bàng quang tăng lên, gây ra hiện tượng nước tiểu chảy ngược lại niệu quản (ống nối giữa thận và bàng quang). Điều này sẽ làm tăng áp lực lên thận, làm tổn thương thận.

2. Ăn đồ nhiều muối

Muối rất cần có thận để chuyển hóa và hấp thu, khi bạn ăn nhiều muối sẽ làm thận bị quá tải và sinh bệnh. Thêm vào đó, ăn mặn cũng dễ làm cao huyết áp và khiến máu thận không thể duy trì ở mức bình thường, cuối cùng dẫn đến bệnh thận. WHO khuyến cáo mọi người không nên ăn quá 5g muối/ngày.

3. Ăn nhiều thịt đỏ

Thịt đỏ có chứa nhiều axit béo bão hòa, có thể ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa và giải độc của thận, tăng gánh nặng cho thận. Ngoài ra, ăn thịt đỏ thường xuyên còn có thể dẫn đến tăng lipid máu, thậm chí gây xơ cứng động mạch thận và gây ra các bệnh mãn tính về thận. Do đó, hãy ăn càng ít càng tốt.

thit-kho-tau.jpg

4. Uống nhiều rượu bia

Uống nhiều rượu bia sẽ làm cơ thể mất rất nhiều nước, gây cản trở thêm cho hoạt động của thận. Đây cũng là lý do tại sao người nghiện rượu bia lại hay mắc các vấn đề về thận.

5. Lạm dụng thuốc

Nhiều người chỉ cần thấy cơ thể hơi mệt là đã tìm mua thuốc uống. Thận là cơ quan thải độc của cơ thể, nó đồng thời là nơi xử lý thuốc. Việc uống thuốc vô tội vạ khiến thận bị quá tải, do đó bạn nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.