Tìm thấy cổ vật có vẻ ngoài giống hệt thời hiện đại hóa ra là có thật. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Vào năm 1986, các nhà khảo cổ học phát hiện ra một ngôi mộ cổ tại trấn Thanh Long Sơn, huyện Nại Man, Triết Lý Mộc minh, thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Ngay từ đầu, các nhà khảo cổ nhận thấy ngôi mộ cổ này có nhiều sự khác biệt so về quy mô, hình dáng và các bức tranh tường vẫn còn nguyên vẹn ở bên trong.
Họ suy đoán rằng ngôi mộ cổ có thể là lăng mộ hoàng gia hoặc quý tộc. Sau khi khai quật, các chuyên gia xác định đây là lăng mộ của một vị công chúa thời nhà Liêu (907 – 1125).
Theo ghi chép trên văn bia, lăng mộ này là nơi hợp táng của Trần Quốc công chúa nhà Liêu và phò mã họ Tiêu. Vị công chúa này là con gái của Gia Luật Long Khánh, cháu gái của Liêu Cảnh Tông, hoàng đế thứ 5 của triều Liêu, trị vì từ năm 969 đến năm 982.
Trần Quốc công chúa mất vào năm 1018 ở tuổi 18. Các nhà khảo cổ suy đoán rằng, sở dĩ công chúa mất sớm vì phò mã chính là cậu của nàng. Do không thể chấp nhận điều này nên công chúa sau đó mất sớm vì uất ức lâu ngày. Cả công chúa và phò mã đều bị bệnh và qua đời khi tuổi còn trẻ.
Theo những ghi chép trong lịch sử, hoàng tộc người Khiết Đan (kiến lập nên nhà Liêu) thường thông hôn với họ Tiêu để đảm bảo huyết thống của gia tộc thuần khiết.
Sau đó, các chuyên gia đã mở nắp quan tài trong ngôi mộ cổ. Khi quan tài được mở ra, tất cả những người có mặt tại đó đều sững sờ.
Bởi thứ mà họ nhìn thấy là hài cốt của công chúa đội vương miện vàng, tai đeo khuyên tai trân châu, tay đeo vòng vàng, còn phò mã đeo mặt nạ vàng cao quý và bên trong có rất nhiều bảo vật quý hiếm bằng vàng, ngọc, đá quý…
Theo các chuyên gia, tổng cộng có 3.227 đồ tùy táng quý giá được khai quật từ lăng mộ của Trần Quốc công chúa.
Bảo vật độc nhất vô nhị trong mộ cổ 1.000 năm
Trong số này có một cái chén thủy tinh đeo dây chuyền vàng. Ban đầu các nhà khảo cổ học vừa bối rối vừa phấn khích vì không ngờ một cái chén thủy tinh thời hiện đại lại xuất hiện trong ngôi mộ cổ nghìn năm. Thậm chí có người còn cho rằng đây là đồ vật do trộm mộ bỏ quên.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, ngôi mộ không hề có dấu hiệu bị trộm mộ tấn công và hóa ra cái chén này được chế tác từ pha lê. Cái chén trong lăng mộ công chúa triều Liêu được coi như một phiên bản của chiếc cốc pha lê thời Chiến Quốc (được khai quật vào năm 1990).
Cái chén pha lê này được chế tác tinh xảo, có hai lỗ nhỏ ở thành chén để gắn dây chuyền vàng. Điều khiến các chuyên gia kinh ngạc hơn nữa là bảo vật này vẫn còn gần như nguyên vẹn sau gần 1.000 năm trong mộ cổ.
Việc chế tác các đồ vật bằng pha lê không hề đơn giản. Nhưng cái chén này lại được làm ra với những thông số gần giống với chén, cốc thời hiện đại. Rõ ràng công nghệ sản xuất, chế tác đồ dùng bằng pha lê vào triều Liêu đã đạt đến trình độ cao, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo cao của con người thời đại đó.
Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách người xưa làm ra cái chén pha lê này như thế nào, nhưng việc phát hiện ra nó cùng các cổ vật quý giá trong lăng mộ Trần Quốc công chúa có giá trị khảo cổ học rất lớn và ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử của nhà Liêu.
Cái chén pha lê triều Liêu được công nhận là bảo vật quốc gia ngay sau khi khai quật. "Chén pha lê đeo dây chuyền vàng" hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Nội Mông (Trung Quốc). Sau khi trông thấy bảo vật này trong bảo tàng, chắc chắn nhiều người đều cho rằng "xuyên không" là có thật.