Trứng ký sinh trùng sán máng nằm trên xương chậu của một bộ xương trẻ em được phát hiện ở miền Bắc Syria và có niên đại 6200 tuổi. Theo các nhà khảo cổ học, đây là thời điểm mà xã hội cổ đại đã sử dụng và phát triển hệ thống thủy lợi để tăng năng suất, sản lượng trồng trọt. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng, các kỹ thuật canh tác mới này đòi hỏi con người thời đó phải thường xuyên lội trong nước – điều kiện lý tưởng cho các loại ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.
 
Tìm thấy trứng ký sinh trùng trên bộ xương... 6200 tuổi 1
Ký sinh trùng bệnh sán máng

"Việc phát minh ra thủy lợi là một bước đột phá công nghệ nhưng nó cũng đem lại những hậu quả ngoài ý muốn", Gil Stein, một giáo sư khảo cổ học ở Đại học Chicago, một trong những tác giả của báo cáo cho biết. Một trong những hậu quả ngoài ý muốn đó chính là sự bùng phát của dịch sán máng - bệnh nhiễm ký sinh trùng truyền qua nước. 

Các ấu trùng sán máng ký sinh trong ốc, và có thể xâm nhập qua da vào cơ thể người. Sau khi vào cơ thể người, ấu trùng đi vào gan, bàng quang, ruột… và trưởng thành tại đây. Loại ký sinh trùng này có thể gây ra các triệu chứng như sốt, phát ban, đau bụng, nôn mửa, tê liệt tay, chân…

Giáo sư Stein cũng cho biết, ở nơi những bộ xương được tìm thấy đều có những bằng chứng về việc trồng trọt lúa mì, lúa mạch, hệ thống thủy lợi. Điều đó cho thấy, rất có thể, nhiều bệnh nguy hiểm khác như sốt rét cũng đã bùng phát, khi người dân tạo ra các hồ nước tù đọng khiến cho muỗi sinh sản.

Piers Mitchell, một tác giả nghiên cứu khác cũng cho biết, có thể chính xã hội nông nghiệp cổ đại là nguyên nhân phát tán (một cách vô tình) các ký sinh trùng sán máng trên toàn cầu, làm hàng triệu người mắc bệnh mỗi năm. Ông cũng cho biết, hệ thống thủy lợi hiện đại vẫn đang làm lây lan bệnh ký sinh trùng ở khá nhiều nước đang phát triển.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases, tại nhiều nơi ở châu Phi, 10 năm sau khi một dự án thủy lợi được hoàn thành, toàn bộ người dân ở đó đều mắc bệnh sán máng. Các chuyên gia khác cũng đồng ý rằng, có thể chính các công trình thủy lợi xuất hiện ở thời cổ đại là nguồn lây lan bệnh ký sinh trùng ra toàn thế giới.