Tại không gian trưng bày, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các loại đèn trung thu được làm từ những nguyên liệu truyền thống như giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán,...
Các gian trưng bày rất đa dạng đồ chơi dân gian truyền thống như tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, trống ếch, trống bỏi,...
Đến tham quan khu trưng bày, các em nhỏ sẽ được chiêm ngưỡng các loại đèn lồng xưa, từ đèn hình bướm, hình cá, đèn ông sao... đến đèn ông sư, đèn kéo quân, mâm ngũ quả,...
Đèn lồng xưa làm bằng giấy dó, giấy bồi thủ công, vẽ tay, gợi được nét đẹp của nét đẹp Trung thu xưa.
Giữa phố thị sầm uất, các em nhỏ cũng có dịp được nhìn thấy nhiều món đồ chơi Trung thu xưa như phỗng đất, tàu thuỷ sắt. Phỗng đất tại khu trưng bày cũng bao gồm 5 nhân vật con rùa gắn với hình tượng biển cả, khát vọng được khám phá; con chim được tượng trưng cho mong ước hoà bình; người già và trẻ em tượng trưng cho sự tiếp nối truyền thống...
Đặc biệt, tại không gian trưng bày, du khách cũng có dịp được chiêm ngưỡng lồng đèn cua sống và cua chín (cua luộc) tưởng chừng đã thất truyền. Dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant, bảo tàng Quai Branly (Pháp),... Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống như giấy dó, giấy nhiễu,... Ngoài đèn cá chép hoá long, đèn cá chép trông trăng nổi bật, đèn thỏ, đèn bướm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cả đèn cua sống động.
Với thiết kế tỉ mỉ, các bước thực hiện công phu, đèn lồng cua sống và cua chín đều rất sống động. Những loại đồ chơi Trung thu truyền thống xưa này sẽ tiếp thêm hiểu biết cho các em nhỏ, giúp các em thêm yêu và trân trọng văn hoá truyền thống của dân tộc.