Việc vay mượn là sự thỏa thuận dân sự, không cần tính pháp lý chắc chắn nên rất dễ đạt được nguyện vọng ban đầu, thậm chí chỉ cần thỏa thuận miệng bạn vẫn có thể ôm một cục tiền lớn về để giải quyết công việc.
Một con nợ chia sẻ về nỗi khổ cực khi phải đi trốn vì không có khả năng trả
Hậu quả của những thương vụ vay mượn quá dễ dãi là phải chịu lãi "cắt cổ", rồi lãi mẹ đẻ lãi con đã biến người vay trở thành "con nợ". Còn người cho vay thì tiếc tiền nên sẵn sàng trở mặt, bất chấp pháp luật, thậm chí thuê xã hội đen truy sát khách hàng của mình đến đường cùng.
Hiểu thế nào về "cho vay nặng lãi"
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp - Giám đốc công ty Luật TNHH Việt Tâm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cần phải khởi tố hình sự đối với việc cho vay nặng lãi theo Điều 201 BLHS.
Theo luật sư Hiệp, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
"Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ", luật sư Hiệp phân tích.
Như vậy thì các quy định trên, nếu lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay thì gọi là "cho vay nặng lãi".
Khi nào cấu thành tội cho vay nặng lãi
Luật sư Nguyễn Văn Hiệp cho hay, căn cứ pháp lý, tại Điều 201 BLHS quy định cụ thể về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như; Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Ngoài ra, luật sư cho biết thêm, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu như; lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ năm lần trở lên.
"Theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tương ứng với 1,67%/tháng.
Nghĩa là, nếu bên cho vay cho vay với mức lãi suất 8,35%/tháng thì đã vượt quá 5 lần mức lãi suất cơ bản pháp luật cho phép.
Hành vi cho vay nặng lãi đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên", luật sư Hiệp phân tích.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay trong 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, công an khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan đến TDĐ, bảo kê, đòi nợ thuê.
Ngoài ra, công an đã phá 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, có hoạt động liên quan tới tín dụng đen. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhận định, tín dụng đen vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên không gian mạng internet.
Chủ nợ mang xăng đến đốt tường bên ngoài nhà con nợ
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan tới tín dụng đen theo chương trình kế hoạch đã đề ra. Không chủ quan, trùng xuống khi kết quả hiện đang trên đà thực thi rất tốt.
Lực lượng công an cũng sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát danh sách đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm tín dụng đen, bảo kê đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành không để hình thành các tổ chức tội phạm đồng thời điều tra xử lý nghiêm các tội phạm có liên quan tín dụng đen.