Hiện, tín dụng đen chiếm 30 - 35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương với 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế. Mức lãi suất mà các tổ chức này đưa ra có khi lên đến 300 - 700%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, những vụ án liên quan đến các hoạt động phạm tội này tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chủ nợ sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp.

Không chỉ là vay cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng “dở sống, dở chết” vì tín dụng đen. Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng bị tan nát vì những thủ đoạn doạ nạt, đập phá, siết nợ và cưỡng đoạt tài sản.

Tín dụng đen hoành hành hậu COVID-19: Lãi suất cắt cổ đến 700%, người vay “dở sống, dở chết” - Ảnh 1.

Sau khi cơ quan công an vào cuộc quyết liệt, các tổ chức tín dụng đen đang dần thay đổi số lượng và mức độ tinh vi.

Sau 1 năm thực hiện chỉ thị 12 của thủ tướng chính phủ về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", hàng ngàn ổ nhóm tín dụng đen, tổ chức cho vay nặng lãi đã bị đánh sập. Các tổ chức tín dụng đen tiếp tục hoạt động và núp bóng dưới nhiều cách thức, và thủ đoạn mới, phức tạp hơn.

Theo tài liệu điều tra, nhóm đối tượng này đã từng thành lập các doanh nghiệp là các công ty tài chính, cầm đồ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động cho vay online qua app (ứng dụng điện thoại).

"Có những đối tượng không mở cửa hàng nhưng vẫn rải tờ rơi, quảng cáo, thông qua mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Họ sử dụng các phần mềm quản lý tài chính, cầm đồ. Lãi suất dao động từ 2 triệu đến 5 triệu/ngày. Lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà là thỏa thuận bằng miệng", đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ.

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, Thiếu tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, cho biết, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương. Trong thời gian sắp tới, các cơ quan công an sẽ đấu tranh mạnh,đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin truyền thông cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ các thuê bao, hạn chế tình trạng sim rác bị lợi dụng trong hoạt động cho vay nặng lãi.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các công ty tài chính phải rà soát lại quy trình về cho vay và thu hồi nợ. Nghiêm cấm các công ty đòi nợ thuê đòi nợ theo kiểu "xã hội đen".