"Ở thành phố lớn, cái gì cũng đắt đỏ, muốn tiết kiệm cũng khó" là cảm nhận chung của phần lớn chúng ta - những người đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Đành rằng chi phí sống ở những thành phố này không rẻ, nhưng không vì thế mà chuyện tiết kiệm trở thành điều bất khả thi. Rất nhiều người vẫn tìm được cách để giảm chi hiệu quả, mà vẫn đảm bảo cuộc sống thoải mái, cân bằng.
Hồng Thanh - Cô vợ sinh năm 1997, hiện đang sinh sống tại TP.HCM, mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện là một trong số đó.
Nhờ mẹ chồng mua giúp thực phẩm ở quê, gửi lên thành phố
Thanh cho biết một tháng, vợ chồng cô chi tiêu hết khoảng 22 triệu đồng cho tất cả các chi phí, từ thuê nhà đến ăn uống, tiền học, tiền bỉm sữa của con.
Các khoản chi tiêu của vợ chồng Thanh trong 1 tháng
Nhìn vào danh sách chi tiêu này, chắc hẳn nhiều người sẽ phải "giật mình" khi nhìn vào khoản tiền ăn của 2 vợ chồng Thanh. 1,5 triệu đồng tiền ăn cả tháng cho 2 người lớn phải chăng là số tiền quá ít?
Với thắc mắc này, Thanh khẳng định một câu chắc nịch: "Chúng mình ăn uống thoải mái, thực phẩm tươi ngon và đảm bảo chất lượng chứ không phải đồ sắp hư hay đồ hỏng đâu".
Để được ăn đồ tươi ngon, chất lượng mỗi ngày mà chỉ tốn 1,5 triệu đồng tiền ăn cả tháng, cô tiết lộ luôn nhờ mẹ chồng mua giúp thực phẩm ở quê rồi gửi lên TP.HCM.
"Mẹ chồng mình có quen nhiều mối bán thịt ở quê nên mua được với giá rẻ lắm, mà thịt đều tươi ngon. Thịt heo khoảng 85k/kg; thịt bò 150-200k/kg, mẹ hay mua của hàng xóm tự thịt; gà 70kg/kg mà là gà thả vườn luôn nha; còn cá thì khoảng 30-60k/kg tùy loại.
Một tháng mẹ sẽ gửi thịt cá cho vợ chồng mình 2 lần, đủ để vợ chồng mình ăn cả tháng. Còn rau củ quả thì mình hay mua ở siêu thị, hay được giảm giá 30-50% nên tổng tiền ăn của hai đứa chỉ khoảng 1,5 triệu/tháng thôi" - Thanh cho biết.
Nhìn vào các khoản chi cố định hàng tháng của Thanh, hẳn nhiều người cũng thắc mắc về sự chênh lệch giữa các khoản chi, ví dụ như tiền thuê nhà với tiền ăn chẳng hạn.
"Vợ chồng mình đang thuê 1 căn 3 phòng ngủ, rộng 70m2, môi trường sống thoáng đãng, yên tĩnh nên mình đánh giá nó là khoản chi hợp lý. Còn tiền ăn thì thú thực vợ chồng mình ăn theo nhu cầu của bản thân thôi, không hề phải cố cắt giảm tiền ăn".
Thanh còn chia sẻ thêm rằng cô chưa tìm được việc sau khoảng thời gian nghỉ thai sản, nên chỉ phải hạn chế đi ăn uống bên ngoài, chứ hoàn toàn không đến mức phải ăn khổ với ngân sách 1,5 triệu đồng tiền ăn hàng tháng.
Mỗi tháng tiết kiệm 15 triệu đồng, có kế hoạch quản lý chi tiêu rõ ràng
Hiện tại, dù chưa có công việc ổn định, nhưng Thanh cho biết cô cũng có "vài đồng ra đồng vào" nhờ làm tiếp thị liên kết trên TikTok. Vì đang nuôi con nhỏ nên mặt hàng mà Thanh chọn để làm tiếp thị liên kết chủ yếu liên quan tới đồ cho bé. Lúc thất nghiệp, kiếm được thêm đồng nào, hay đồng ấy.
Ảnh minh họa
"Mỗi tháng, sau khi trừ đi hết các chi phí, vợ chồng mình vẫn tiết kiệm được 15 triệu đồng. Các khoản cố định bắt buộc phải chi, mình sẽ để riêng ở 1 tài khoản. Ngay lúc chồng mình nhận lương, chúng mình sẽ chuyển 15 triệu vào tài khoản tiết kiệm; các khoản chi cố định như tiền nhà, điện nước,... thì chồng mình giữ để thanh toán; còn tiền ăn uống của 2 vợ chồng và tiền thuốc men, thực phẩm, bỉm sữa cho con thì mình giữ".
Cô cũng cho biết thêm bản thân cũng đã mua bảo hiểm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, nên những lúc không may ốm đau chỉ phải chi khoảng 20-30% viện phí, phần còn lại đã có bảo hiểm lo.
"Trước đây khi mình vẫn còn đi làm, có thu nhập ổn định thì chúng mình chi tiêu thoải mái hơn. Giờ gia đình chỉ có một nguồn thu nhập nên chúng mình cũng phải chi tiêu tiết kiệm, không thể thoải mái như khi có 2 nguồn thu nhập được. Mình cũng hơi áp lực một chút vì tốc độ tiết kiệm chậm hơn ngày xưa, nhưng những khoản mình liệt kê đều là những khoản cố định, không thể thay đổi được"- Thanh bộc bạch.