Đầu giờ chiều nay (7/9), trao đổi với Báo Giao thông về thông tin một người dân Gia Lai khẳng định anh biết chính xác địa điểm nghi chiếc máy bay MH 370 của Malaysia rơi, lãnh đạo TCT Quản lý bay VN (VATM) cho biết, về nguyên tắc, các cơ quan chức trách của Việt Nam, cơ quan điều hành bay hay và các hãng hàng không Việt Nam không có trách nhiệm bình luận gì về giả thiết này.

“Theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tất cả các quốc gia đều có Uỷ ban điều tra quốc gia về tai nạn hay sự vụ hàng không. Uỷ ban điều tra này làm việc theo tiêu chuẩn, quy trình, quy định chặt chẽ của quốc gia đó và ICAO”, vị này nói và cho biết, các kết quả điều tra của Uỷ ban điều tra quốc gia đều được công bố công khai và tất cả các chuyên gia chuyên ngành và các cơ quan liên quan từ hãng hàng không, nhà chức trách đến các cơ quan điều hành đều tuân thủ kết luận của Uỷ ban điều tra quốc gia.

“Đây là nguyên tắc của ICAO và Công ước Chicago”, lãnh đạo VATM nói và cho biết, bất kỳ ý kiến nào khác với kết luận của Uỷ ban điều tra quốc gia chỉ được coi như một giả thiết để tham khảo. Chúng ta phải tôn trọng, tuân thủ kết luận của Uỷ ban điều tra quốc gia Malaysia. Đây là nguyên tắc của ICAO.

Kết luận của Uỷ ban điều tra quốc gia Malaysia đã được đưa ra trên cơ sở cân nhắc trên nhiều yếu tố, có cơ sở khoa học lẫn cơ sở pháp lý để làm.

Riêng về thông tin như Báo Gia Lai đưa ra, vị này khẳng định có rất nhiều điểm không hợp lý. “Anh ta đưa ra vấn đề đó nhưng lại không có bằng chứng cụ thể nào về khoa học để chứng minh máy bay đã bay được đến đấy. Anh ta chỉ đưa ra hình ảnh mà bất kỳ ai cũng có thể photoshop được. Bản thân Google cũng không có bình luận gì về hình ảnh này”, lãnh đạo VATM nói và cho biết: “Thông tin đưa ra phải có bằng chứng về pháp lý, bằng chứng về chuyên môn và vật chất cụ thể. Nếu không đưa ra được thì tại sao ta phải phản biện về điều đó. Chưa kể, những người quan tâm về giả thiết này lý ra phải thấy ngay được sự phi lý. Campuchia cũng có chủ quyền, có quản lý vùng trời, có cơ sở mặt đất, có chính quyền địa phương. Khi thông tin đó ra, chính quyền Campuchia có thể kiểm chứng được ngay và nếu có thì họ đã thông báo.

Trước đó, báo điện tử Gia Lai đã đưa thông tin cho rằng: 4 năm trước, một công dân Gia Lai lúc ấy đang làm ăn tại Đắk Nông trong lúc tình cờ tìm kiếm thông tin hình ảnh vệ tinh trên mạng anh bỗng thấy một chiếc máy bay có kích thước giống chiếc máy bay MH370 rơi trong một lòng hồ.

Sau đó, anh đã quay lại hình ảnh và vị trí chiếc máy bay này trên Google Earth. Hiện nay, lòng hồ mực nước dâng cao, không thể quan sát bằng mắt thường nếu đi trên mặt hồ hoặc chụp ảnh qua vệ tinh.

Anh này sau đó đã đưa clip lên YouTube, đến nay có hơn 5.700 lượt xem (Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đã được gỡ xuống) nhưng không ai ý kiến gì. Gần đây qua báo chí anh thấy một người Anh đưa thông tin đã phát hiện được máy bay MH370 tại rừng rậm Campuchia.

Qua hình ảnh, anh nhận thấy clip của họ giống clip của anh nhưng có dấu hiệu chỉnh sửa hình ảnh máy bay trong clip mà anh đưa lên mạng cách đây 4 năm, vậy nên anh quyết định công bố thông tin này cho báo điện tử Gia Lai.

Cũng theo báo điện tử Gia Lai, chiếc máy bay anh phát hiện đo được độ dài khoảng 60,78m, sải cánh 31,23m, máy bay còn nguyên vẹn, không bị vỡ, đầu cắm xuống lòng hồ. Kích thước này tương đồng với thông tin về chiếc máy bay MH370 của Hãng Hàng không Malaysia.

Chiếc máy bay này rơi xuống nước ở độ sâu khoảng 30m và nhiều khả năng ngập dưới bùn 5-6m, chứ không phải nằm trong rừng rậm và không thuộc địa phận Campuchia. Qua hình ảnh có thể thấy cánh chiếc máy bay méo mó, không nhìn rõ, chứng tỏ có thể trước khi rơi, máy bay va chạm nhẹ vào cây rừng hoặc bị ngập sâu dưới bùn đất.

Anh này thậm chí còn khẳng định chỉ cần 2-3 ngày là tìm thấy chính xác vị trí chiếc máy bay MH370. Nếu Chính phủ Malaysia đồng ý anh sẽ xin phép các cơ quan chức năng thuê thợ lặn tìm kiếm. Việc tìm kiếm này nếu không đúng thì hãng hàng không Malaysia cũng không mất gì, toàn bộ chi phí do anh chịu.

Chuyến bay MH370, chở 239 người, đã biến mất trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào tháng 3/2014. Australia, Trung Quốc và Malaysia kết thúc các cuộc tìm kiếm không có kết quả vào tháng 1/2017.