Khi nhắc tới bản năng làm mẹ, có thể một số người không tin vào trực giác của người mẹ có thể cứu được con mình. Thế nhưng, trên thực tế có nhiều tình huống đã xảy ra, chứng minh người mẹ có thể nhận ra con mình đang gặp bất thường, ngay cả khi những dấu hiệu bên ngoài không thể hiện điều đó, điển hình như trường hợp dưới đây.

Jenna Doecke sống ở Melbourne, Australia đã có một trải nghiệm kinh hoàng với đứa con gái mới sinh của mình. Khi được 2 tuần tuổi, cô bé bị cảm lạnh thông thường nhưng Jenna cảm nhận được có điều gì đó không ổn với con mình. Cô nhanh chóng đưa con tới bệnh viện kiểm tra, rất nhanh sau đó tình trạng của em bé trở nên nguy kịch.

Tin vào trực giác, người mẹ cứu con thoát khỏi cơn nguy hiểm - Ảnh 1.

Phổi của em bé bị xẹp, chuyển sang suy tim. Tất cả bắt đầu từ một cơn cảm lạnh bình thường nhưng nhanh chóng chuyển sang "chuyến tàu lượn siêu tốc" khi mọi thứ xấu đi. Jenna trở nên kiệt sức trên giường bệnh, cô không ngừng cầu nguyện cho con gái, các buổi điều trị diễn ra khẩn cấp, mọi thứ căng lên như dây đàn.

Sau những phút giây chạy đua với tử thần, em bé đã vượt qua được. Giờ đây, em bé đã được 5 tuần tuổi, dù chưa khỏe mạnh hoàn toàn nhưng đã có thể tự thở được.

Khi tình trạng của con gái tiến triển tốt, Jenna mới thở phào nhẹ nhõm và quyết định chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ của mình tới các bậc cha mẹ khác. Cô nhấn mạnh rằng, việc đưa con tới bệnh viện không bao giờ là phản ứng thái quá nếu họ nhận thấy có điều gì đó không ổn.

Jenna nói: "Y tá nói rằng, hãy luôn tin tưởng vào bản năng làm mẹ của mình. Điều đó hoàn toàn đúng khi tôi đã tin vào trực giác của bản thân và đưa con gái tới bệnh viện".

Cho tới tận bây giờ, Jenna vẫn không thể ngờ được rằng, chỉ một cơn cảm lạnh thông thường lại có thể gây nguy hiểm tới đứa trẻ đến vậy.

Nhớ về những điều đã xảy ra, cô cho biết: "Tôi biết rằng, bản năng làm mẹ đã cứu mạng con gái mình. Nếu đêm đó mà tôi đợi tới sáng mới đưa con gái đi bệnh viện, có lẽ mọi chuyện bây giờ đã khác. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi lại nghĩ rằng, một cơn cảm lạnh thông thường gần như có thể giết chết một đứa trẻ".

Jenna cho biết, một trong những dấu hiệu khiến cô nhận thấy con mình đang gặp nguy hiểm là cô bé thở dốc, sau đó tình trạng trở nên bất ổn. Vài giờ sau đó, em bé không chịu bú, trở nên gắt gỏng và tồi tệ hơn. Vì vậy, cô quyết định đưa con tới bệnh viện ngay lập tức.

Cô nhấn mạnh rằng, các bậc cha mẹ không được bỏ qua những triệu chứng này, chậm trễ dù chỉ một chút cũng khiến đứa bé gặp nguy hiểm tính mạng.

Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, cần chú ý những gì?

Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, cần chú ý những điều dưới đây:

- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ, ngực và chân. Sử dụng áo choàng hoặc chăn dày để giữ ấm trẻ khi cần.

- Tránh để trẻ tiếp xúc với gió lạnh hoặc không gian lạnh. Đóng cửa và cửa sổ để giữ ấm trong phòng.

- Đặt trẻ trong phòng ấm và thoáng đãng. Sử dụng máy sưởi hoặc làm ấm giường để giữ nhiệt độ phòng ổn định.

- Đảm bảo trẻ được uống đủ sữa để duy trì đủ lượng chất lỏng và ngăn ngừa mất nước do cảm lạnh.

- Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ như cảm lạnh kéo dài, sốt cao, khó thở hoặc các triệu chứng bất thường khác. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

- Tránh để trẻ tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng. Rửa tay thường xuyên và đảm bảo không gian xung quanh trẻ sạch sẽ và thông thoáng.

Lưu ý rằng, nếu trẻ có triệu chứng nghiêm trọng hoặc không khá hơn sau một thời gian, cần đưa trẻ tới bệnh viện khám.