Thừa Thiên Cao hoàng hậu là vị hoàng hậu đặc biệt của nhà Nguyễn. Bà là chính thê của vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh, thường gọi Nguyễn Ánh) và cũng là hoàng hậu duy nhất được song táng cùng vua tại lăng tẩm. Người ta biết đến bà không chỉ là người vợ trung trinh mà còn lễ độ, tiết nghĩa luôn một lòng phò tá chồng từ những ngày long đong chạy giặc cho đến khi trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn.

Nguyên phi Tống thị

Thừa Thiên Cao hoàng hậu, tên thật Tống Thị Lan, xuất thân từ dòng họ Tống Phục thị danh giá ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Tiên tổ của Tống thị là một trong những dòng họ đầu tiên theo nhà Nguyễn vào Nam. Tống Thị Lan là người đoan trang, xinh đẹp và rất mực hiền từ. Khi Gia Long thành niên tuổi 18 đã mang đầy đủ nghi lễ, vật phẩm đến hỏi cưới Tống thị làm chính thất. Ông tấn phong cho bà làm Nguyên phi vào năm 1778, năm ấy bà tròn 18.

Mặc dù tuổi thanh xuân của Tống thị chứng kiến thời thế loạn lạc, nhưng xuất thân danh giá cho thấy mọi cử chỉ, hành động của bà luôn lễ độ, không chứa đựng bất kỳ sự thất thố nào. Đại Nam liệt truyện chép, Tống Nguyên phi là người cung kính cẩn thận, luôn có phép tắc nên được vua Nguyễn quý trọng.

Làm vợ, làm mẹ nhưng niềm vui của bà ngắn chẳng tày gang. Bà sinh được hai người con là hoàng tử Nguyễn Phúc Chiêu và Nguyễn Phúc Cảnh. Phúc Chiêu chết yểu còn Phúc Cảnh cũng bao năm trắc trở mới được ngày hồi hương.

Tín vật tình yêu gửi người vợ tào khang của vua Gia Long - Ảnh 1.

Minh họa Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Ảnh: Hoàng Đạt.

Năm 1783, quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, Gia Long phải chạy ra Phú Quốc. Vua cho dụ giám mục Bá Đa Lộc đi sứ sang Pháp để xin giúp đỡ và đưa hoàng tử Cảnh làm tin, lúc đó hoàng tử Cảnh mới 4 tuổi, bản thân ông sang Xiêm cầu viện. Khi ấy, vua và nguyên phi cầm nước mắt mà tiễn đưa con.

Trong Đại Nam thực lục chép, khi hoàng tử Cảnh đi rồi, vua bỏ ra một thoi vàng (vàng mười tuổi, 20 lạng) chặt đôi trao cho phi một nửa dặn rằng: "Con ta đi rồi, ta cũng đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào, ngày nào, hãy lấy vàng này làm tin."

Những năm tháng sau ấy, nguyên phi Tống thị hết lòng hầu hạ mẹ chồng, chịu đủ mọi gian khổ. Bà luôn hiếu kính quốc mẫu, cần kiệm, chăm chỉ giữ tiết hạnh. Bà còn tự tay kéo dệt và cắt may trang phục cấp cho tướng sĩ.

Năm 1788, Gia Long chiếm lại được Gia Định, sau đó cho người ra Phú Quốc đón nguyên phi cùng quốc mẫu trở về. Từ ấy, mỗi lần vương đi đánh giặc, bà luôn đi cùng. Thậm chí, đến khi hoàng tử Cảnh sau này được vua phong làm hoàng thái tử dự định truyền ngôi, nhưng cũng qua đời khi mới 22 tuổi vào năm 1801, bà cũng nén đau thương mà hết lòng phò tá chồng. Nhiều năm bôn ba, bà đã cùng chồng vào sinh ra tử, đồng cam cộng khổ cùng nhau, luôn là người dù gặp vận đen vẫn tỏ đức nhu hòa.

Hoàng hậu đầu tiên của triều Nguyễn

Năm 1802, sau khi diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi và lập ra vương triều Nguyễn. Vua đặt niên hiệu Gia Long và chỉ 1 năm sau, Tống thị trở thành Vương hậu, đến khi Nguyễn Ánh xưng Đế năm 1806 thì bà được sắc phong hoàng hậu.

Bà vốn "nền nếp như ngọc cư ngọc hoàng, dung dáng như ngọc uyển ngọc diễm", theo vua "ba chục năm phong trần" cho thấy gian truân càng tỏ nết kiên trinh.

Đại Nam thực lục có nhắc đến tờ sắc văn phong Tống nguyên phi làm vương hậu năm 1803, có đoạn viết đến lòng cảm kích của vua Gia Long dành cho bà: "Non sông dựng lại đã cùng nhau gánh vác gian nan; nhật nguyệt sáng cùng, nên chung hưởng lấy nền phú quý. Noi theo lễ trước, cho được tiếng thơm". Sau sai Lễ bộ bưng sách vàng và ngọc tông lập làm vương hậu.

Tín vật tình yêu gửi người vợ tào khang của vua Gia Long - Ảnh 2.

Ảnh minh họa thoi vàng - tín vật tình yêu của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan. Ảnh: Sái/ Nguyễn Dynasty - Việt Nam cổ phục.

Đến năm 1806 lập Tống vương hậu làm hoàng hậu, nhắc đến thoi vàng năm xưa, hoàng hậu vẫn luôn giữ bên mình từ khi Gia Long rời xa bà sang Xiêm. Vua ánh lên sự mừng rỡ trong mắt nói: "Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết."

Vua lấy nửa thoi còn lại ráp hoàn chỉnh và giao hết cho bà cất giữ. Sau này, hoàng hậu đã truyền lại cho vua Minh Mạng. Cuối cùng, vua Minh Mạng dụ với cận thần rằng: "Đấy là vật làm tin của Hoàng khảo, khi dời đi xa lưu lại để cho trẫm." Vua sai khắc chữ Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão bá thiên thời tín vật, rồi đưa vào điện Phụng Tiên để thờ.

Thừa Thiên Cao hoàng hậu mất năm Giáp Tuất 1814, được tấn phong tên thụy là Giản cung tề hiến Đức chính thuận nguyên Hoàng hậu. Đến năm 1820 được dâng thêm tôn thụy là Thừa thiên tả thánh Hậu đức từ nhân Giản cung tề hiếu Dực chính thuận nguyên Cao hoàng hậu, còn được gọi tắt là Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Trong tất thảy hậu lẫn phi triều Nguyễn, chỉ có Thừa Thiên Cao hoàng hậu được song táng cùng vua. Bà được song táng cùng vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ.

***

Khi dõi theo lịch sử, chúng ta thường bị thu hút bởi những người có chiến công oanh liệt hoặc tài nghệ phi phàm nhưng lại dễ quên đi những đức tính cao quý, âm thầm mà vĩ đại. Bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu là người có đức tính như vậy.

Mặc dù không thể hiện rõ những sắc cạnh huy hoàng trong việc trị nước an dân nhưng bà được chú ý tới là hình ảnh người vợ, người mẹ tảo tần và thuỷ chung. Điều ấy cũng đủ vẹn tròn ân nghĩa, là tình cảm đẹp biểu trưng cho người vợ, người phụ nữ Việt Nam.