Trai anh hùng khó lòng thoát nỗi bóng hồng nhan
Và người đẹp ấy không quá xa lạ, bà chính là Hồ Thị Chỉ, một trong 4 người con của Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung. Không chỉ nổi tiếng với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành khi ấy, Hồ Thị Chỉ còn nức tiếng gần xa bởi trí thông minh thiên phú của mình.
Hồ Thị Chỉ - hồng nhan làm say đắm cả hai bậc quân vương.
Tuy phận nữ nhi là thế, nhưng bà lại thông thạo kinh thư, Hán Văn, Pháp ngữ, Việt ngữ, đàn ca múa nhạc đều một mực tinh thông. Chính vì vậy, cũng không quá khó hiểu khi mỹ nhân này lại khiến nam nhân thời bấy giờ chao đảo mà hai vị vua Nguyễn là Khải Định và Duy Tân cũng khó lòng vượt ải mỹ nhân.
Tình đầu thường khó bền lâu
Mối nhân duyên giữa vua Duy Tân và bà Hồ Thị Chỉ bắt đầu bởi một sự “sắp đặt” cố ý của thực dân Pháp. Năm 1913, lúc ấy Duy Tân là một chàng thiếu niên vừa mới lớn, người Pháp muốn lợi dụng thời kì ẩm ương của lứa tuổi này để biến Duy Tân thành một người thích chơi hơn làm, hòng dễ bề sai khiến. Vì thế đã xây dựng một bãi tắm vui vẻ ở Quảng Trị và đôn đốc, khuyến khích nhà vua đến vui chơi.
Trong kì nghỉ hè năm ấy, vua Duy Tân đã ngự giá thân chinh đến bãi tắm để thư giãn theo lời mời của người Pháp, hộ tống ông là Thượng thư Hồ Đắc Trung cùng 4 người con của mình trong đó có bà Hồ Thị Chỉ.
Chính khoảng thời gian này, giữa trời sắc hữu tình, đã làm nhen nhóm lửa tình trong tâm hồn đôi trẻ. Dù luôn tỏ ra trang nghiêm mỗi khi vui chơi cùng 4 anh em nhà họ Hồ, nhưng trong ánh mắt vua Duy Tân đã chan chứa sóng tình với Hồ Thị Chỉ, và ngược lại. Hai người họ lúc bấy giờ chẳng khác câu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của đại thi hào Nguyễn Du là bao.
Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, trước khi chia tay, vua Duy Tân còn chu đáo dặn dò Hồ Thị Hạnh tức em gái của Hồ Thị Chỉ hãy an ủi, vỗ về chị mình, hẹn năm sau tái ngộ, chớ quá buồn thương.
Ít lâu sau, hoàng cung tới hạn nạp phi, không từ chối như những lần trước đó, lần này, vua Duy Tân đã chủ động đánh tiếng với Thái Hậu rằng người muốn nên duyên với ái nữ của Thượng thư Hồ Đắc Trung, tức bà Hồ Thị Chỉ.
Và rồi lễ hỏi cũng đến nhà với một đôi khuyên tai và một đôi vòng vàng, chờ ngày lành tháng tốt bà Hồ Thị Chỉ sẽ được tấn cung. Cả gia đình nhà Thượng thư, nhất là Hồ Thị Chỉ hân hoan trông ngóng.
Nhưng sóng gió thường đến thật nhanh, nhanh tới mức xóa sạch cả niềm hân hoan được nâng khăn sửa túi trọn đời cho người trong mộng của Hồ Thị Chỉ, và mở ra chương mới đầy trái ngang trong cuộc đời bà.
Hủy hôn không lí do và sự hy sinh thầm lặng vì tình yêu của Duy Tân khiến má hồng ghi khắc
Ngày tấn phong rồi cũng đến, nhưng người ngồi trong kiệu hoa để vào triều không phải Hồ Thị Chỉ mà là Mai Thị Vàng, ái nữ của Mai Khắc Đôn - thầy giáo chữ Hán của vua Duy Tân.
Dù đã biết trước việc này, và vua cũng triệu Hồ Đắc Trung vào triều để “từ hôn” nhưng cả dòng họ Hồ nhất là Hồ Thị Chỉ không nén nổi đau thương.
Vua Duy Tân - vị vua ái quốc và si tình.
Tại sao Duy Tân lại nhanh chóng thay đổi quyết định của mình như vậy, là do vua thay lòng hay vì lí do nào khác? Câu chuyện từ hôn chỉ được sáng tỏ khi vua Duy Tân bị Pháp bắt vào tháng 5/1916. Vì ông có kết nối với Việt Nam Quang phục hội để làm cuộc khởi nghĩa.
Từ chính khẩu cung mà Duy Tân tiết lộ, vì đã nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới sự chỉ huy của Quang Phục hội, nên ông lo sợ và quyết không để người trong mộng cùng gia quyến phải chịu liên đới. Bản thân Hồ Đắc Trung cũng nằm danh sách những người bị nghi ngờ có liên quan đến sự vụ này, nên nhờ lời thú nhận của Duy Tân, ông đá tránh được mối họa.
Sau khi sự việc phơi bày, ân tình của Hồ Thị Chỉ dành cho vua Duy Tân càng thêm sâu nặng dù ông phải chịu án lưu đày xứ xa. Bà thưa với phụ mẫu, nguyện ở vậy suốt đời, không nhận lời ai nữa để trọn tình với Duy Tân.
Nghiệt duyên cùng Khải Định và cái kết bạc phận của một kiếp hồng nhan
Ông trời rõ là biết cách trêu người, tình yêu với Duy Tân chưa dứt Hồ Thị Chỉ đã phải nhận lệnh bước vào Cấm Cung để làm vợ vua Khải Định dù lòng còn nặng trĩu bao vấn vương.
Cũng phải thôi, bởi lẽ ai mà không xiêu lòng trước nhan sắc chim sa, vốn hiểu biết uyên bác của một vị tiểu thư trâm anh như Hồ Thị Chỉ dù chỉ là cái nhìn lướt vội. Vua Khải Định cũng thế, chỉ một lần gặp gỡ tại trường Đồng Khánh năm 1917, nhan sắc dịu dàng, tư thế cẩn trọng của cô gái dâng khay gấm lên vua đã làm ông xuyến xao. Mà người ấy không ai khác chính là Hồ Thị Kỉ.
Dù được biết đến là vị vua ăn chơi với tổng cộng 12 bà vợ, nhưng khi gặp Hồ Thị Chỉ, vua như trúng tiếng sét ái tình. Ông hứa sẽ lập tức sắc phong bà làm Hoàng Phi (tức vợ chính, có quyền lực tối thượng trong hậu cung) nếu Hồ Thị Chỉ ưng thuận làm vợ ông.
Vua Khải Định và Nhất giai Phi.
Nghe tin như sét đánh ngang tai, lệnh vua ban khác gì lệnh trời, nếu từ chối ắt liên lụy cả dòng họ. Lòng còn thương Duy Tân vô bờ bến nhưng Hồ Thị Kỉ đành nhắm mắt đưa chân, một bước làm vợ vua Khải Định.
Ngày 3 tháng 12 cùng năm, lễ nạp phi đã diễn ra long trọng và Hồ Thị Chỉ được phong làm Ân phi, thuộc hàng Nhất giai Phi là tước hiệu cao quý nhất trong hàng "cửu giai" do triều Nguyễn ban tặng cho các bà vợ của vua trong nội cung.
Bà rất được nể trọng với tư cách là Hoàng hậu, xuất hiện cùng Khải Định trong những lần tiếp tân, yến tiệc với quan khách trong ngoài nước. Bà xinh đẹp, thông thái, am hiểu văn hóa, ứng xử với phương Đông phương Tây, nói tiếng Pháp rất thông thạo, thường làm phiên dịch cho nhà vua.
Sau ngày Khải Định qua đời, Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lên nối ngôi đặt niên hiệu Bảo Đại. Lệnh cho Ân phi Hồ Thị Chỉ không được sống trong nội cung, mà sống ở Cung An Định, rồi chuyển về ngôi biệt thự 145 (79D cũ) ở đường Phan Đình Phùng (Huế) trú ngụ. Cuộc đời thăng trầm cay đắng, hai lần "nạp phi", không có con, bà Ân Phi Hồ Thị Chỉ phiền muộn âu sầu, mắc phải chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần và qua đời vào năm 1985.
Mối tình tay 3 hoàng tộc này sao quá trái ngang. Hai người yêu nhau không đến được với nhau, hai người đến được với nhau thì tình cảm lại không trọn vẹn. Phận nữ nhi má hồng tưởng một đời sung sướng bởi được hưởng trọn tình cảm của cả 2 bậc quân vương nhưng cuối cùng lại kết thúc một kiếp trầm luân trong hiu quạnh không con cái thật quá bi thương.
(Tổng hợp)