Trong chương trình này đã xuất hiện trên màn hình hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng đứng ở đồi thông nơi các nữ anh hùng hy sinh đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng đứng trên đồi thông gây tranh cãi trong chương trình "Đồng Lộc – Bài ca bất tử".
Theo đó, trong Chương trình “Đồng Lộc – Bài ca bất tử” xuất hiện một clip có hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài màu trắng, một số cô thả tóc đen xõa xuống vai đang đứng trên đồi thông và từ từ tan biến tượng trưng cho 10 nữ TNXP hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.
Nhiều người cho rằng đó là hình ảnh ma mị, phản cảm, không nên sử dụng trong một chương trình ý nghĩa như vậy.
“Mình thực sự rùng mình sợ hãi thay vì xúc động khi nhìn hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng đứng trên đồi thông. Nghệ thuật là góp phần tạo ra trí tưởng tượng cho khán giả từ đó sẽ phát sinh các trạng thái cảm xúc. Cho dù dụng ý có tốt đến mấy mà khi thể hiện nó không đạt được thì đó là thất bại của đạo diễn.
Dụng ý là xây dựng 10 cô gái anh hùng hóa thành liệt nữ nhưng khi thể hiện khiến khán giả cảm giác rùng mình thì không thể trách khán giả được… Về ý tưởng mình cho là tốt, sáng tạo và táo bạo, nhưng có lẽ sai ở khâu thể hiện: về tạo hình, ánh sáng, ngôn ngữ múa, âm nhạc... nên đã tạo hiệu ứng ngược, thật đáng tiếc!”, một khán giả bình luận.
Trả lời báo chí, Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Lê Thụy chia sẻ, hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng từ từ xuất hiện rồi tan biến trong chương trình là dụng ý nghệ thuật. “Từng tiếng chuông chùa vang lên, lần lượt xuất hiện 10 cô gái mặc áo dài đứng trên đồi đó là ý tưởng các cô hiển thánh là 10 thánh nữ, là liệt nữ”, ông Lê Thụy nói.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh khẳng định phía Sở không được giao về tham mưu ý tưởng kịch bản. Cũng theo ông, hình ảnh 10 cô gái mặc đồ trắng đứng ở đồi thông khi tổng duyệt chương trình không thấy có. Còn khi chương trình biểu diễn ông bận tiếp khách nên không để ý có hay không hình ảnh đó.
Phóng viên báo Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh về vấn đề này.
Ông Dũng cho biết, ông trân trọng cảm ơn những tình cảm, ý kiến đóng góp của quý khán giả. Ông mong muốn mọi người cùng chia sẻ, vì thời điểm sắp diễn ra chương trình, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 nên việc tập luyện, biểu diễn chưa được như ý muốn. Theo ông, về hình ảnh 10 cô gái mặc áo dài trắng xuất hiện trong chương trình, có ý kiến cho rằng đây là hình ảnh để khắc họa rõ thêm sự kiên trung của 10 liệt nữ; có ý kiến cho rằng, có gì đó ma mị và không phù hợp. Tùy vào mỗi người sẽ có quan điểm riêng khi cảm nhận.
“Mong mọi người khi bình luận chi tiết này phải đặt trong tổng thể chương trình. Trước khi xuất hiện hình ảnh 10 cô là hình ảnh 10 bông sen và 10 tiếng chuông chùa. Dụng ý của tác giả muốn khẳng định sự hy sinh của các cô là bất tử. Phân cảnh này được đạo diễn dàn dựng trước đó, ghi lại hình ảnh đưa vào màn hình minh họa”, ông Dũng nói.
Và theo ông, khi thực hiện, đạo diễn sẽ sử dụng những thủ pháp nghệ thuật, ý tưởng riêng để làm nổi bật được nội dung muốn nói. Mục đích, nhằm khẳng định công lao của các thế hệ cha anh, tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong, giáo dục thế hệ trẻ giá trị của độc lập, tự do…
“Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp của quý khán giả về chương trình sẽ là những ý kiến bổ ích để Ban tổ chức cũng như đạo diễn rút kinh nghiệm khi tổ chức những chương trình khác”, ông Dũng nói.
Cũng theo thông tin ông Dũng, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có tính giáo dục cao như tổ chức thi tìm hiểu, tổ chức đợt sáng tác các ca khúc về Đồng Lộc; tổ chức Hội thảo khoa học: 50 năm chiến thắng Đồng Lộc- giá trị lịch sử và hiện thực...
Cũng trong dịp này, Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm chia sẻ rất lớn của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, tỉnh đã làm được 382 nhà tình nghĩa, xây dựng được Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, hoàn thiện đường tránh khu mộ 10 Cô; xây dựng trường Tiểu học Đồng Lộc và nâng cấp, hoàn thiện nhiều hạng mục tại Khu Di tích TNXP Ngã Ba Đồng Lộc. Về chương trình nghệ thuật: Đồng Lộc - Bài ca bất tử, tất cả kinh phí thực hiện đều bằng nguồn xã hội hóa.