Cách đây 1 tuần khi đang trực tại bệnh viện, tôi nhận được điện thoại từ bạn đồng nghiệp xin hướng xử trí một người bệnh COVID-19 mới được chẩn đoán tại khoa của bạn ấy.
Một thoáng giật mình với những ký ức lo lắng của ngày xưa hiện về trong đầu tôi. Tôi vẫn nhớ là cách đây tầm 2 năm, khi có tin báo xuất hiện người bệnh COVID-19 trong bệnh viện thì sẽ phải xử lý nhiều việc lắm từ việc hành chính cho đến việc chuyên môn.
Tuy nhiên, bây giờ đã khác, chúng ta đã có cái nhìn đầy đủ hơn, rõ ràng hơn và yên tâm hơn về COVID-19.
Ký ức một thời cách ly, giãn cách, khai báo với sự thiếu thốn về khẩu trang, xét nghiệm chẩn đoán và thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 đã được thay bằng sự yên tâm, tin tưởng và xử trí linh hoạt hơn. Rất nhanh sau đó, người bệnh được đưa vào một phòng riêng để tránh lây lan và sử dụng thuốc kháng virus do người bệnh tuổi cao kèm theo bệnh lý tim mạch. Mặt khác người bệnh được khảo sát tình trạng bệnh tim mạch để đánh giá xem có cần can thiệp cấp cứu hay không.
Câu chuyện trên kết thúc đơn giản như vậy nhưng sau đó lại mở ra một loạt câu chuyện khác trong mấy ngày gần đây. Một vài người bệnh liên lạc với tôi để hỏi cách sử dụng thuốc ho và hạ sốt. Người bệnh tim mạch vẫn thường làm vậy khi cần sử dụng các thuốc khác kèm thuốc tim mạch để đảm bảo rằng thuốc sắp uống đó không tương tác với thuốc đang uống.
Tôi hướng dẫn họ kiểm tra COVID-19 trước khi đưa ra lời khuyên về sử dụng thuốc và kết quả là các bác ấy đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Tiếp đến, một số đồng nghiệp của tôi ở bệnh viện và cả một số người quen của tôi cũng cho kết quả 2 vạch với con virus ấy. Đúng là số lượng người mắc COVID-19 trong những ngày gần đầy đang gia tăng tại Hà Nội, tôi cảm nhận được điều này từ chính những người xung quanh mình.
Vậy tình hình diễn biến COVID-19 trên thế giới đang thế nào?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 20/4/2023, thế giới trong 28 ngày trước đó chứng kiến 2,8 triệu người mới mắc COVID-19 với khoảng 18 ngàn người tử vong. Số lượng người mới mắc và tử vong do COVID-19 này giảm 27% và 32% so với 28 ngày trước đó.
Mặc dù số liệu toàn thế giới giảm nhưng số ca mắc và tử vong lại tăng lên ở các nước Đông Nam Á (tăng 654%), vùng Đông Địa Trung Hải (tăng 96%) và một số quốc gia khác.
Tổ chức Y tế thế giới cũng công nhận rằng số liệu này có thể thấp hơn số liệu thực tế do giảm số lượng test thử và sự chậm trễ báo cáo số liệu ở nhiều quốc gia. Vì vậy số liệu này chưa hoàn toàn chính xác và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.
Biến chủng virus nào đang lưu hành?
Cũng theo báo cáo này của WHO, trong vòng 28 ngày trước 20/4 có gần 40 ngàn mẫu bệnh phẩm COVID-19 được phân tích giải trình tự gen. Có hai biến thể của virus được WHO theo dõi và quan tâm là XBB.1.5 và XBB.1.16.
Trên toàn cầu, biến chủng XBB.1.5 được tìm thấy tại tại 96 quốc gia và XBB.1.16 được báo cáo ở 31 quốc gia.
Tình hình COVID-19 hiện nay của chúng ta có lẽ giống với một số dự đoán cách đây 1-2 năm rằng bệnh sẽ được kiểm soát tương đối ổn định và thỉnh thoảng xuất hiện một số đợt bùng phát với quy mô nhỏ.
Chúng ta cần làm gì khi ca mắc covid-19 mới tăng?
Chúng ta đã có kinh nghiệm hơn trong xử trí người bệnh COVID-19 và giai đoạn hậu COVID-19 cũng như có kinh nghiệm hơn trong dự phòng sự lây lan của virus corona. Đối với những người bệnh COVID-19 cao tuổi có bệnh lý nền kèm theo, việc sử dụng thuốc kháng virus mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên đối với người trẻ chưa có tiền sử bệnh tật thì chỉ cần điều trị triệu chứng ho, sốt với các thuốc thông thường là đủ.
Mặt khác trong thời gian mắc COVID-19, chế độ ăn uống đầy đủ chất, ngủ đủ và có một tâm lý ổn định sẽ giúp nhanh chóng phục hồi.
Một điểm cần lưu ý là việc tập thở ngay trong thời gian mắc bệnh đóng vai trò quan trọng giúp phổi khoẻ mạnh, cần duy trì tập thở lâu dài sau thời gian mắc bệnh.
Chế độ tập luyện nhẹ nhàng cũng nên được khuyến cáo duy trì trong và sau thời gian mắc COVID-19.
Tôi vẫn thường dùng 4 chữ T để nói về các việc cần thiết giúp phục hồi sức khoẻ nhanh trong và sau COVID-19. Có 4 chữ T đó là: Tập thể dục, Tập thở, Thư giãn và Thực phẩm.
Đối với phòng bệnh, khẩu trang và khử khuẩn tay thông thường bằng xà phòng hoặc sử dụng nước sát khuẩn giúp hạn chế lây lan virus. Vaccine vẫn được khuyến cáo cho các đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền. Một tâm lý không chủ quan là cần thiết đối với cả người bệnh, thầy thuốc cũng như toàn xã hội để từng bước kiểm soát đợt bệnh này của COVID-19.