Như đã thông tin, ngay 15/8 chị Hà Thanh Vân (giảng viên ĐH Thủ Dầu Một, ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc phản ánh trên trang cá nhân sự bất công, khuất tất trong việc xếp danh sách bán trú lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp).

Theo chị, dù nộp đơn xin vào lớp bán trú cho con gái sớm nhưng cháu không được nhận với lý do “nộp đơn trễ”, trong khi có trường hợp nộp đơn sau chị đến hai tuần, vẫn được học bán trú. Trong khi đó, con trai chị năm ngoái nộp vào trường này vẫn được nhận vào lớp bán trú.

dacebook
Chia sẻ của chị Vân trên trang cá nhân

Chị Vân cho biết, đã trao đổi và biết có phụ huynh phải “lót tay” 10 triệu đồng để con được học bán trú. Chị Vân là giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), một mình nuôi dạy con do mới đây, chồng chị bất ngờ bị tai biến mạch máu não, mất khả năng lao động.

 Không cho phụ huynh mang theo luật sư

Sau khi phản ánh của chị Vân nhận được khoảng 5.000 chia sẻ, giữa phụ huynh với nhà trường đã có buổi làm việc với nhau vào chiều 17/8. Tại buổi làm việc, chị Vân đề nghị mang theo luật sư riêng nhưng cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Như không chấp nhận. Sau đó, phụ huynh này cũng muốn có phóng viên tham dự nhưng phía nhà trường cũng không đồng ý.

Theo bà Như, sở dĩ không đồng ý với các yêu cầu của chị Vân vì đây là buổi làm việc riêng với tư cách nhà trường gặp gỡ phụ huynh để lắng nghe các góp ý, trao đổi, những bất cập giữa hai bên nên không cần thiết.

phuhuynh
Chị Hà Thị Vân - Ảnh: NVCC

Buổi làm việc kéo dài hơn hai tiếng giữa chị Vân cùng các thành viên trong ban giám hiệu. Theo lời kể của phụ huynh, cô hiệu trưởng thừa nhận không biết rõ hoàn cảnh nhà phụ huynh. “Nhà trường đã ghi trong biên bản hội đồng tuyển sinh là đến bây giờ mới biết về hoàn cảnh gia đình phụ huynh”, chị Vân cho biết.

Chị Vân cũng mong muốn nhà trường giải thích tại sao con chị không được vào lớp bán trú dù nộp hồ sơ từ sớm. Với vấn đề này, phía trường cho rằng, khi xét hồ sơ bán trú phải ưu tiên các hoàn cảnh trước. “Nhà trường đặt ra những tiêu chí để ưu tiên như: Con cán bộ giáo viên trong trường, con của cán bộ quân nhân, bố mẹ là cán bộ nhà nước… để nhận bán trú và đúng quy định của Sở giáo dục”, cô Như cho biết.

Theo nhà trường, chỉ sau khi kết thúc tuyển sinh, căn cứ vào tình hình nhà trường mới mở bán trú. Năm nay, do điều kiện nhà trường không cho phép nên khối 6 chỉ mở được 2 lớp bán trú trong khi nhu cầu của phụ huynh rất nhiều.

phuhuynh
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.

Cũng tại buổi làm việc, Ban giám hiệu yêu cầu phụ huynh đưa ra bằng chứng chuyện trường nhận “lót tay” 10 triệu đồng để vào bán trú. Tuy nhiên chị Vân không đồng ý và chỉ chấp nhận trình chứng cớ nếu xảy ra kiện tụng.

Phụ huynh từ chối cho con vào lớp bán trú

Tuy nhiên cuối buổi làm việc, giữa phụ huynh cùng ban giám hiệu đều mong muốn sớm khép lại vụ việc. “Phía trường lấy lý do đại loại là quá đông học sinh muốn được vào bán trú nhưng trường không đủ điều kiện nhận hết. Dù vậy, nhà trường cũng đã linh động đển xem xét cho con tôi vào học bán trú. Tôi hài lòng với thiện chí nhà trường”, chị Vân nói.

“Nhà trường hứa xem xét nguyện vọng cho cháu học bán trú. Nhưng tôi từ chối với lý do là cháu đã quen lớp, quen bạn. Tôi không muốn cháu thay đổi môi trường vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý. Tôi không muốn cháu nghĩ rằng vì cháu mà mẹ phải vất vả và cũng không muốn gây thêm sức ép cho hai lớp học bán trú của nhà trường”, vị phụ huynh giải thích.

Cuối buổi làm việc, phụ huynh bày tỏ thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Phía hội đồng cũng vui khi phụ huynh vẫn có thiện chí giữ con học tiếp ở trường. Ngoài ra, nếu Phòng, Sở giao dục có yêu cầu thanh tra, chị Vân cũng sẵn sàng hợp tác, cung cấp đầy đủ bằng chứng.