Từ sáng sớm, Khu Doanh trại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 996 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đặc quánh mùi hóa chất. Tối hôm trước, đơn vị vừa tiếp nhận cách ly hơn 100 người Việt Nam trở về từ Lào và Thái Lan nên các chiến sĩ phải phun khử trùng khắp doanh trại.
Sinh nhật, thôi nôi qua điện thoại
Thiếu tá Nguyễn Thành Phong - Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 996, hài hước: "Doanh trại chưa bao giờ đông vui đến thế!".
Cùng với bộ phận nuôi quân, 5 y - bác sĩ đến từ Ban Quân y (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình đã đến Doanh trại Tiểu đoàn 1 theo dõi diễn tiến sức khỏe của người đang thực hiện cách ly.
Hằng ngày, ngoài việc trấn an, hướng dẫn hàng trăm người cách ly phòng dịch, bác sĩ (BS) Nguyễn Việt Phong còn thăm khám, đánh giá tình hình và xác định mức độ lây nhiễm của những người về từ vùng dịch. Có khi gần 22 giờ xong việc, anh mới gọi về cho gia đình vài phút, rồi tranh thủ nghỉ ngơi.
Hơn 2 tháng nay, BS Phong không gặp người nhà. "Nhớ lắm chứ, nhớ da diết nhưng nhiệm vụ được nhà nước giao phó, dù trong hoàn cảnh nào mình cũng phải gắng sức hoàn thành. Thấy những người dân xong cách ly, không ai mắc bệnh là cả doanh trại vui mừng khôn xiết" - BS Phong kể.
Hôm 22-3 là ngày thôi nôi đứa con trai thứ hai của anh Phong. Gia đình làm mâm cơm nhỏ mời hai bên nội, ngoại nhưng anh đã không về được.
"Sinh nhật tôi đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), vì điều kiện nên không thể tổ chức hay vui vầy với gia đình và những người thương yêu. Vợ và con gái gọi lên chúc, thi thoảng tôi cũng nghẹn ngào" - BS Nguyễn Việt Phong tâm sự.
Một chiến sĩ ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 996 (Quảng Bình) nhắn tin cho gia đình sau nhiều ngày ở doanh trại phục vụ cách ly Ảnh: HOÀNG PHÚC
Mong người dân thoải mái, yên tâm
Cũng như BS Nguyễn Việt Phong, thượng úy Hà Tiến Dũng, trợ lý hậu cần Khung tiếp nhận thuộc Trung tâm Bồi dưỡng Quốc phòng An ninh - Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, đã hơn 1 tháng nay không về nhà dù làm việc cách nhà chỉ khoảng 10km.
Mỗi ngày, thượng úy Dũng và các chiến sĩ thăm hỏi những người đang cách ly, luôn lắng nghe, làm sao để họ hiểu được rằng các anh đang phục vụ một cách chân thành nhất nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Trước đây, cứ cách ngày anh Dũng lại về nhà hoặc lâu lắm là cuối tuần. Từ lúc nhận nhiệm vụ, anh chỉ có thể nói chuyện với vợ và con gái 3 tuổi qua điện thoại. Con gái anh Dũng rất "quấn" ba, thường xuyên hỏi mẹ vì sao ba không về nhà.
"Mỗi lần nghe vợ kể về con hay nói chuyện với con qua video là tôi phải nén xúc động. Tôi chỉ biết động viên vợ cố gắng chăm sóc con. Dù có cực khổ tới đâu, có nhớ vợ con đến phát khóc cũng phải cố gắng kìm lại, vượt qua để hoàn thành tốt công việc" - thượng úy Dũng nhấn mạnh.
Hôm 17-3, sau một đợt nhận nhiệm vụ cách ly cho đoàn người về từ vùng dịch, thượng úy Dũng được chỉ huy cho phép về thăm nhà sau 14 ngày. Vào khoảng 17 giờ, anh chạy xe máy về còn một đoạn nữa là đến cổng thì nhận được điện thoại của chỉ huy, nói rằng trung tâm lại tiếp nhận một đợt cách ly mới vào tối cùng ngày. Thế là Dũng phải quay lại nơi công tác khi cách nhà chỉ còn vài bước chân. Với thượng úy Hà Tiến Dũng, nhiệm vụ lần này hết sức đặc biệt. Anh hy vọng bản thân và đồng đội sẽ luôn giữ được sức khỏe, bản lĩnh để tiếp tục phục vụ.
Y sĩ Phạm Lê Hùng - 1 trong 5 nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, được điều động đến túc trực tại trung tâm - cũng có con nhỏ mới 13 tháng tuổi. Từ khi Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh thứ 3, anh Hùng bắt đầu tham gia chống dịch và tự cách ly ở cơ quan. Đến nay, hơn 24 ngày anh chưa về nhà.
"Con tôi chưa nói được nhiều mà chỉ biết dỗi mỗi khi nhìn thấy ba trong điện thoại. Những lúc rảnh, tôi nhớ con cồn cào, không thể diễn tả được bằng lời" - anh Hùng tâm sự.
Mỗi ngày, anh Hùng cùng BS được phân công, khám sức khỏe, đo thân nhiệt, tư vấn sức khỏe cho những người đang cách ly tại trung tâm. Mặc bộ quần áo bảo hộ, gặp hôm nắng nóng, anh Hùng cùng các đồng nghiệp ướt đẫm mồ hôi.
Khi hay tin BS đầu tiên của Việt Nam nhiễm Covid-19 trong quá trình chống dịch, anh Hùng và đồng nghiệp đã tự bảo với nhau rằng bên cạnh việc chăm sóc, phục vụ công dân cách ly cho tốt, còn phải tự bảo vệ sức khỏe bản thân để tiếp tục chống dịch.
Đại úy Lê Bá Vương, Phó Chỉ huy Khung tiếp nhận thuộc trung tâm này, cho biết trung tâm hiện cách ly cho 193 người Việt Nam từ nước ngoài về với đủ lứa tuổi, ngành nghề. "Cảm xúc lúc này rất lẫn lộn, xúc động và cảm thấy thiêng liêng. Dù khó khăn thế nào, tôi cùng 30 cán bộ, chiến sĩ ở đây cam kết hoàn thành trọng trách được giao để những người được cách ly yên tâm, thoải mái nhất" - đại úy Vương nói.
Dù mệt mỏi vẫn vui cười với mẹ
Nữ BS trẻ nhất trong số 5 nhân viên y tế được Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu điều động đến Trung tâm Bồi dưỡng Quốc phòng An ninh nhận nhiệm vụ là Đào Thị Túy Duyên (SN 1995, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Trong thời gian làm việc tại trung tâm, cô có rất ít thời gian rảnh để gọi điện về nhà nên căn dặn cha mẹ "chỉ nhận điện thoại chứ không gọi để con gái yên tâm làm việc". Là con út, mỗi lần gọi về cho mẹ, dù có mệt mỏi thế nào BS Duyên vẫn ráng tỏ ra khỏe mạnh, vui vẻ để mẹ và gia đình yên tâm.