Khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu bắc qua 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao (Phú Thọ) bất ngờ bị sập, cuốn theo nhiều người và xe xuống dòng sông chảy xiết.

Cầu Phong Châu nằm ở tuyến đường trọng yếu, lưu lượng phương tiện hàng ngày qua đây đông đúc. Sự cố sập cầu khiến việc đi học, đi làm của người dân hai bên cầu gặp khó khăn do phải đi vòng đường khác xa hơn tới 50km.

"Tôi ở bên Lâm Thao, cũng có con nhỏ đi học nên hiểu được sự lo lắng của phụ huynh khi nghe tin cầu sập", anh Bùi Văn Đà (khu 4, Phùng Nguyên, Lâm Thao) nói.

Anh Đà và người anh em thân thiết chung nhau mở xe hãng xe chạy dịch vụ. Ít phút sau khi cầu Phong Châu sập, anh Đà đăng thông tin lên mạng xã hội: "Chiều nay xe nhà em sẽ đón tất cả các cháu ở bên Lâm Thao đang học ở các trường Tam Nông, Hưng Hóa, Quang Bích về nhà. Phụ huynh nào có con học bên ấy cứ yên tâm và liên hệ nhà xe để nhà xe đưa về ạ".

Bên dưới dòng thông báo, anh Đà cẩn thận đưa số điện thoại của 3 lái xe để người dân tiện liên hệ.

Tình người xoa dịu cơn mưa nước mắt nơi sập cầu Phong Châu - Ảnh 1.

Nhà xe của anh Đà thông báo chở miễn phí học sinh đến trường.

Ngay buổi trưa 9/9, chiếc xe 45 chỗ mang băng rôn "xe hỗ trợ đưa đón các cháu học sinh về Bản Nguyên - Vĩnh Lại - Cao Xá - Lâm Thao" lăn bánh, đón các em học sinh từ bên kia sông về huyện Lâm Thao tới nhà an toàn. Chiều cùng ngày, thêm hai ô tô 45 chỗ và 34 chỗ được nhà xe của anh Đà tiếp tục đưa học sinh và người đi làm từ Tam Nông về Lâm Thao.

Ngày thứ 2 xảy ra sự cố sập cầu, anh Đà tiếp tục điều thêm xe 45 chỗ chở học sinh đi học, người lớn đi làm. "Tôi vẫn thông báo có bao nhiêu học sinh sẽ đón hết, nếu đông sẽ điều thêm xe nhưng một số trường học đã cho nghỉ nên số lượng học sinh và người dân đi làm đủ một xe 45 chỗ. Chiều nay dựa xem các cháu học đông hay không đông, tôi điều tất cả các xe đưa về", anh Đà cho hay.

Tình người xoa dịu cơn mưa nước mắt nơi sập cầu Phong Châu - Ảnh 2.

Các học sinh được nhà xe của anh Đà đưa đón miễn phí sau sự cố sập cầu.

Anh Đà cho biết thêm, bình thường học sinh đi học 4 lượt mỗi ngày. Nhưng do cầu sập, quãng đường mới sẽ phải đi xa tới 50km, nếu đi 4 lượt các cháu không đảm bảo sức để học tập, nghỉ ngơi. Vì vậy, anh Đà và các tài xế đưa đón học sinh 2 lượt sáng và chiều.

Người đàn ông quê Đất Tổ chia sẻ, trong thời gian này, 3 ô tô vốn chạy dịch vụ hợp đồng sẽ được ưu tiên dùng để đưa đón miễn phí học sinh, người đi làm, ít nhất hết tuần này.

Bán quán nước ngay cạnh chân cầu Phong Châu, chị Nguyễn Thị Thu (thị trấn Tam Nông) nhớ lại, khi nghe tiếng "rầm", chị vội chạy ra thì hoảng hốt thấy cầu đã sập 2 nhịp, kéo theo nhiều ô tô, xe máy xuống sông. Vài tiếng sau, người nhà nạn nhân tất tả chạy tới ngóng trông tin tức người thân.

Nhìn mọi người đau khổ, đứng thẫn thờ ở bờ sông, chị Thu ra mời mọi vào quán nghỉ. Khi thân nhân đến nhiều, chị Thu và con trai chuẩn bị võng, phản ghép để họ nghỉ ngơi.

Tình người xoa dịu cơn mưa nước mắt nơi sập cầu Phong Châu - Ảnh 3.

Chị Thu (áo xanh) hỗ trợ, động viên người thân nạn nhân.

“Cũng là con người với nhau, trong hoàn cảnh này người nhà nạn nhân cũng như người thân của mình, có điều kiện cần phải giúp đỡ mọi người. Mình chỉ có tấm lòng, của ít lòng nhiều chỉ có cốc nước, bát cháo, gói mì tôm giúp đỡ họ, chứ không có gì to tát. Miễn làm sao mình động viên, hỗ trợ được chút gì đó cho mọi người" , chị Thu chia sẻ.

Đêm qua, chị Thu thức trắng, mỗi khi nghe tiếng khóc nấc, bà chủ quán nước lại tới động viên, rót cho họ cốc nước, ly sữa để uống lấy sức và bình tâm.

Sau sự cố thiên tai, em trai và người thân của chị Thu tất bật ở quán nước, liên tục nấu cơm, nấu mì tôm miễn phí phục vụ thân nhân các nạn nhân mất tích. Gia đình chị Thu nhắc nhau tìm thêm chiếu, võng để người nhà nạn nhân tranh thủ nghỉ ngơi.

“Thấy người thân nạn nhân đau buồn, khóc gọi chồng, gọi em, gọi cháu, tôi cũng rơi nước mắt. Tôi cố gắng thức cùng động viên, cần gì thì hỗ trợ. Tôi chỉ mong nước sông xuống để lực lượng chức năng tìm kiếm được các nạn nhân, để người nhà bớt đau buồn”, chị Thu chia sẻ.

Tình người xoa dịu cơn mưa nước mắt nơi sập cầu Phong Châu - Ảnh 4.

Những suất cơm miễn phí phục vụ lực lượng chức năng và nạn nhân sự cố sập cầu Phong Châu.

Cùng chứng kiến mất mát, đau thương của đồng bào, chị Phạm Thị Thanh Tâm (Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Tam Nông) cho biết, Hội phụ nữ phối hợp chùa Khánh Lâm chuẩn bị 100 suất ăn để phục vụ những cơ quan chức năng và người thân của các nạn nhân trong vụ sập cầu vừa qua.

"Mọi người đã thức dậy từ 4h sáng để mua thực phẩm, sơ chế và nấu nướng đến khoảng 10h là hoàn thành. Chúng tôi cũng chỉ san sẻ được một phần khó khăn với các đơn vị chức năng và người thân của các nạn nhân trong vụ việc", chị Tâm nói.

Chị Nguyễn Thị Ngân, đại diện Hội Phật giáo xã Vạn Xuân cũng cho biết: "Hôm qua, các phật tử chùa Khánh Lâm và người dân xã Vạn Xuân đã chuẩn bị 220 cái bánh mì, 12 thùng nước lọc và mì tôm để giúp các đơn vị tác nghiệp trong vụ tai nạn vừa qua.

Hôm nay, chúng tôi cùng chuẩn bị 100 suất ăn. Chúng tôi hy vọng sẽ một phần nào giúp đỡ được những đơn vị và thân nhân của người gặp nạn".

Video: Người mẹ khóc ngất cầu mong kỳ tích đến với con gái sau vụ sập cầu Phong Châu