Chiều 25/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão Noru gần Biển Đông với các bộ, ngành và 16 địa phương.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, với tốc độ di chuyển nhanh, bão Noru là và ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng.

Qua kinh nghiệm thực tế cho thấy những cơn bão có cường độ lớn từ cấp 13 trở lên sẽ gây ra ảnh hưởng, thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Điển hình, cơn bão số 12 (năm 2017) khiến 107 người chết và mất tích, thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng.

Theo dự báo bão Noru sẽ có cường độ lớn mạnh cấp 13, giật cấp 16. Do vậy, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu công tác ứng phó cần được tập trung chỉ đạo sớm, khẩn trương từ Trung ương đến các địa phương. Đặc biệt, cần rà soát một cách kĩ lưỡng cơ sở vật chất và các điểm xung yếu để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Tính sơ tán khoảng 870.000 dân để ứng phó với bão Noru mạnh nhất 20 năm qua - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương rà soát kĩ lưỡng cơ sở vật chất và các điểm xung yếu ứng phó kịp thời với bão Noru đang di chuyển rất nhanh

Cập nhật diễn biến của bão số Noru, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia cho biết, vào hồi 13h chiều nay, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên). Từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Theo ông Khiêm, đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.

"Dự kiến bão đổ bộ vào Thừa Thiên Huế- Quảng Ngãi. Theo tính toán, nước biển tại đây có thể dâng 0,8-1,2m. Kịch bản cực đoan, nước dâng có thể đạt 1,4-1,8m. Nguy cơ ngập lụt diện rộng tại vùng trũng thấp tại ven biển, cửa sông các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi", ông Khiêm nói.

Tính sơ tán khoảng 870.000 dân để ứng phó với bão Noru mạnh nhất 20 năm qua - Ảnh 2.

Ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, các tỉnh bão Noru đổ bộ dự kiến đang dự kiến phương án sơ tán 300.000 người dân.

Thông tin về tình hình ứng phó với bão, ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - cho biết, tính đến trưa 25/9, có hơn 57.800 tàu với hơn 300.000 lao động đã được kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn về nơi an toàn. Đặc biệt trong 24h tới, theo hệ thống giám sát tàu cá, cần phải kêu gọi 127 tàu đang trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn.

Theo ông Luận, hiện các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông.

"Qua rà soát phương án sơ tán dân, có khoảng 213.914 hộ/868.230 người nằm trong diện sơ tán. Trong đó các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão", ông Luận nói.