Tinh thần mới: Nhập ngũ để thay đổi bản thân
Nhiều bạn trẻ tình nguyện viết đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự mong được phục vụ trong môi trường quân đội, được rèn luyện để bản thân tốt hơn mỗi ngày.
Ước mơ khoác lên mình màu áo bộ đội
"Con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi mẹ ơi", Trần Trọng Đạt (23 tuổi, phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) hò reo thông báo với gia đình khi nhận tin từ phường. Cậu càng tự hào hơn khi là 10 trong tổng số 15 thanh niên tình nguyện viết đơn xin tham gia nghĩa vụ được trúng tuyển năm nay.
Năm 2019, khi là sinh viên năm nhất trường Đại học Hùng Vương, Đạt đã ấp ủ ý định viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự để nối tiếp truyền thống gia đình bố là cựu chiến binh, anh trai và chị dâu đều đang làm việc trong quân đội. Tuy nhiên do sức khỏe, thể lực không đạt nên lần đó cậu bị trượt, đành phải ngậm ngùi.
Trở về nhà, Đạt tập trung nhiều hơn đến thể lực, rèn luyện thể thao. Cuối năm 2023, sau khi tốt nghiệp đại học, gia đình động viên cậu nuôi tiếp ước mơ được nhập ngũ.
"Em tiếp tục viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi trải qua các quy trình tuyển chọn thì em chính thức trúng tuyển", nam sinh khoe. Trong đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, Đạt viết rõ "được sự đồng ý của gia đình và với trách nhiệm của người thanh niên với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tôi nhận thức rõ về nghĩa vụ của mình đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tôi tự nhận thấy môi trường quân đội là môi trường tốt để rèn luyện tôi trưởng thành hơn và trở thành người có ích cho xã hội".
So với độ tuổi của những bạn nhập ngũ, tuổi của Đạt lớn hơn, nhưng cậu vẫn tự tin có đủ kiến thức, độ chững chạc, lòng đam mê được phục vụ trong môi trường quân đội. "Môi trường quân ngũ làm em rất háo hức. Em thực sự muốn khoác lên người bộ quân phục từ lâu lắm rồi", Đạt nói.
Trọng Đạt cũng không ngại bật mí dự định cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm nghĩa vụ, sau đó sẽ tiếp tục đăng ký tham gia tuyển chọn để trở thành quân nhân chuyên nghiệp.
Nhập ngũ để thay đổi bản thân
Không riêng Trần Trọng Đạt, tư duy của nhiều bạn trẻ hiện nay đã thay đổi, coi việc tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm, niềm tự hào và là con đường để thay đổi bản thân.
Tết Nguyên đán vừa qua có lẽ là dịp vui nhất của Nguyễn Hoàng Văn Thi (21 tuổi, phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đông đủ họ hàng, bạn bè đến nhà chúc mừng cậu trúng tuyển đợt nghĩa vụ quân sự năm 2024. Theo kế hoạch, thứ 2 tuần tới cậu sẽ lên đường nhập ngũ, chính thức được phục vụ trong môi trường quân đội.
Tuổi thơ của Thi khá khó khăn, ba mẹ ly hôn từ khi cậu còn nhỏ. Từ đó, Thi sống trong sự đùm bọc, nuôi dưỡng của ông bà nội. Tốt nghiệp phổ thông với lực học khá, có thể xét tuyển đại học nhưng do gia đình quá khó khăn, Thi phải đi làm thuê ở khắp các cửa hàng quanh nhà, khi thì bưng bê quán bia, khi lại vận chuyển, chăm sóc cây cảnh với đồng lương chẳng thấm vào đâu.
"Ông bà nội tuổi đã già, sức khoẻ ngày một yếu đi, em muốn thay đổi cuộc sống của bản thân, muốn được học nghề, có công việc ổn định, có vốn làm ăn nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Em quyết định tham gia nghĩa vụ quân sự để mong tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc sống", nam sinh tâm sự.
Từ tháng 9/2023 khi phường thông báo đợt khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự cho năm 2024, Thi xin phép ông bà và cô bác trong họ được tình nguyện viết đơn tham gia.
Khi biết Thi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, gia đình rất vui và hoàn toàn ủng hộ. Nam sinh tin rằng môi trường quân đội sẽ luyện cho tuổi trẻ sự tự giác, khuôn phép, chỉn chu và biết quan tâm hơn.
"Em đặt mục tiêu sau 2 năm nhập ngũ được tiếp tục phục vụ trong môi trường quân đội. Nếu không em sẽ học được nghề sửa chữa xe máy để mở quán tại nhà, vừa tiện chăm sóc ông bà, vừa có thêm kinh tế", cậu nói.
Tỷ lệ thanh niên xin nhập ngũ tăng
Theo điều 30, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự là từ 18 đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học được tạm hoãn gọi nhập ngũ, thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.
Thống kê từ Quân khu 2, năm 2023 và 2024 số lượng thanh niên trình độ đại học, cao đẳng nhập ngũ vào các đơn vị quân đội trên địa bàn Quân khu so với năm 2022, 2021 tăng 10,9%. Trong đó, con cán bộ nhập ngũ tăng 0,8%; thanh niên là đảng viên tăng 8,6%.
Đại tá Lê Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên cho biết, năm 2024, địa phương có gần 5.500 thanh niên trong diện nhập ngũ. Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp sẽ tuyển chọn 900 công dân có đủ sức khoẻ, phẩm chất chính trị tốt nhập ngũ vào các đơn vị quân đội.
Tính đến thời điểm này 129 xã, phường, thị trấn trong tỉnh hoàn thành công tác sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự, tỷ lệ thanh niên tình nguyện tham gia nghĩa vụ cũng tăng so với năm 2023 và 2022.
Các năm trước công tác tuyển quân nhiều địa phương gặp khó do bệnh tật và tâm lý e ngại, trốn tránh của một bộ phận thanh niên. Các con em gia đình có điều kiện thường không muốn làm nghĩa vụ, thay vào đó, họ cho con đi làm ăn kinh tế, đi nước ngoài. Các thủ thuật né tránh thường được nhiều người áp dụng là làm hạ huyết áp, xăm trổ lên cơ thể, dùng thuốc kích thích hoặc tìm cớ trễ tàu xe.
"Tình trạng này vài năm trở lại đây dần được khắc phục, số lượng thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự ngày càng tăng, nhiều em tình nguyện viết đơn. Đây là tín hiệu đáng mừng", ông Sơn cho biết thêm.
Theo thống kê Bộ Tư lệnh thủ đô, trong năm 2023, Hà Nội có 4.240 tân binh lên đường nhập ngũ. Trong đó 3.500 công dân nhập ngũ quân đội (với 6 đảng viên, 1.393 công dân trong đối tượng Đảng, 2 tân binh là cán bộ công chức, viên chức; trình độ đại học là 408, cao đẳng là 329, trung cấp là 90 tân binh) và 740 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
Là một trong những địa bàn có tỷ lệ thanh niên tình nguyện nhập ngũ cao, ở Hà Nội, đại diện lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt đánh giá, phong trào thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ trở thành nét đẹp truyền thống của tuổi trẻ phường, rất đáng tự hào trong những năm qua. Các thanh niên tiêu biểu tự nguyện viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2024 là hành động này đáng được biểu dương.
Đằng sau mỗi lá đơn tình nguyện nhập ngũ là một hoàn cảnh, một suy nghĩ và mục tiêu riêng. Tuy nhiên các thanh niên đều chung mong ước được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vị đại diện chia sẻ thêm.
Đề xuất mọi thanh niên đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên mọi thời đại, mọi bối cảnh. Do vậy, ông đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để làm sao giống như một số nước, mỗi thanh niên đều được trải qua huấn luyện quân sự ít nhất là 2 năm.
"Trong luật Nghĩa vụ quân sự hiện nay có miễn, giảm nên không phải 100% thanh niên chúng ta được tham gia nghĩa vụ quân sự. Tôi mong muốn làm sao mỗi thanh niên đều được tham gia nghĩa vụ quân sự vì nó tạo cho thanh niên nhận thức, tinh thần mới", ông Kim nói.
Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phân tích, Việt Nam trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh nên những ai không trải qua quá trình huấn luyện nghĩa vụ quân sự sẽ "cảm thấy thiếu thiếu gì đó". Ông Kim cũng dẫn ví dụ tại Hàn Quốc với chính sách yêu cầu tất cả các thanh niên đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
"Như ở Hàn Quốc, một thanh niên đá bóng ở nước ngoài giỏi cỡ nào đi nữa thì cũng phải về tập trung thực hiện nghĩa vụ quân sự. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất quan trọng và mỗi thanh niên phải thấm trong tim, gan mình về nghĩa vụ này", ông Kim nói thêm.