Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, bà Trần Thị Tuyến, cho biết, ngày 13/3 có 2 phụ huynh của trường bị kẻ xấu mạo danh nhân viên y tế gọi thông báo con gặp nạn để lừa chuyển tiền. Hai phụ huynh này biết về tình trạng lừa đảo tương tự ở TPHCM và một số địa phương khác nên đã cảnh giác, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để xác minh.

Hôm qua, đồng loạt các trường học tại Hà Nội ra thông báo tới tất cả các lớp. Chiều qua (14/3), một số phụ huynh học sinh Trường THPT Kim Liên vẫn nhận được những cuộc gọi của các đối tượng lừa đảo với kịch bản học sinh bị tai nạn, phụ huynh chuyển tiền khẩn cấp để mổ cấp cứu.

Tình trạng lừa đảo 'học sinh nhập viện': Nhà trường cảnh báo - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh, học sinh tại Hà Nội đã bị kẻ gian gọi điện lừa đảo, đe dọa. Ảnh: Như Ý

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, cho biết, trước đó nhà trường đã đề cao cảnh giác, tuyên truyền tới toàn bộ cán bộ, giáo viên, phụ huynh về các tình huống lừa đảo. Tuy nhiên, khi nhận cuộc gọi báo tin đó, người nhà học sinh vẫn rất hoảng hốt. Ngay lập tức, nhà trường xác minh thông tin con đang học ở lớp và cho con gọi điện nói chuyện trực tiếp với bố mẹ.

Trường THCS Trưng Vương đã thiết kế bảng thông tin hướng dẫn chi tiết về thủ đoạn, các bước xử lý khi bị kẻ gian gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn cần tiền cấp cứu. Bảng thông tin này được gửi tới giáo viên, phụ huynh. Trường nêu ra 3 tình huống kẻ mạo danh có thể nhập vai: Giáo viên, bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, cán bộ cơ quan chức năng. Kẻ xấu liên hệ và đặt người nhà học sinh vào tình huống khẩn cấp, dễ gây rối trí để phụ huynh nhanh chóng chuyển tiền. Trường THCS Trưng Vương khuyến cáo phụ huynh, khi nhận được cuộc gọi cần bình tĩnh liên lạc với giáo viên chủ nhiệm hoặc đường dây nóng của trường, đường dây nóng của Công an phường để được hỗ trợ. “Tuyệt đối không chuyển tiền hoặc đăng nhập đường link lạ để tránh bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản”, trường cảnh báo.

Lập đường dây nóng

Trường Tiểu học Tây Sơn cũng cảnh báo phụ huynh toàn trường rằng, kẻ mạo danh khi tiếp cận phụ huynh thường đã nắm được toàn bộ thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh của con, tên giáo viên chủ nhiệm. Do đó, khi nhận được thông tin con gặp nạn và nói đúng thông tin, phụ huynh không được rối trí.

Đề phòng trường hợp phụ huynh không liên hệ được với giáo viên trong giờ dạy học, các lớp của Trường THPT Việt Đức gửi thông báo tới cha mẹ học sinh khi nhận được thông tin bất thường, liên hệ với lớp trưởng, bí thư, cán bộ Đoàn, đường dây nóng… để xác minh thông tin.

Bà Nguyễn Thị Hiền nói rằng, ngoài phòng tiếp dân, số điện thoại văn phòng, ban giám hiệu trực, từ nay trường sẽ lập đường dây nóng, đăng lên website để phụ huynh liên lạc khi cần thiết.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo tới tất cả các trường, các cấp học yêu cầu thông tin rộng rãi về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu và phương thức xử lý trong tình huống khẩn cấp.

Chiều qua, Hà Nội gửi văn bản, yêu cầu các trường thông báo số điện thoại đường dây nóng đến cha mẹ học sinh và công khai trên cổng thông tin điện tử của trường, đồng thời có phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về vụ việc và thủ đoạn lừa đảo.

Nên ràng buộc bảo mật thông tin

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho rằng, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục thường liên kết với các đơn vị bên ngoài tổ chức nhiều cuộc thi nhằm nâng cao năng lực, giúp học sinh có thêm trải nghiệm. Nhiều cuộc thi yêu cầu thí sinh đăng ký thông tin cá nhân bản thân lẫn cha mẹ, vô tình dẫn tới lộ, lọt thông tin. “Việc lộ lọt thông tin có thể là do cơ sở giáo dục, đơn vị liên kết bảo mật không tốt. Và cũng không loại trừ, đơn vị liên kết cố tình để lộ lọt cho bên thứ ba”, ông Thắng nói. Theo ông, các cơ sở giáo dục cần tăng tính bảo mật thông tin học sinh, phụ huynh; trong trường hợp liên kết với đơn vị khác, cần ràng buộc bảo mật thông tin.

Nguyễn Dũng - Vân Sơn