Gần đây, những đôi nam nữ chung sống trước hôn nhân không còn bị dư luận xã hội dị ứng nhiều như trước kia. Thậm chí có người còn cho rằng, khi hai kẻ yêu nhau có điều kiện tìm hiểu nhau ở “cự ly gần” thì họ sẽ hiểu rõ nhau hơn, đặt nền móng vững chắc hơn cho tương lai. Nhưng điều đó có đúng không hay lại chính là nguyên nhân khiến tình yêu dang dở?

Tại Mỹ, một cuộc nghiên cứu với 13.000 người trưởng thành đã chung sống trước hôn nhân cho thấy tỉ lệ kết hôn sau thời gian sống thử nghiệm chỉ đạt có 42%. Tìm hiểu quá khứ của những cô gái chấp nhận chung sống trước hôn nhân các nhà nghiên cứu nhận thấy phần lớn họ là những cô gái có nỗi buồn về gia đình trong quá khứ. Hoài là một ví dụ điển hình. Cha mẹ cô luôn mâu thuẫn vì cha Hoài là người quá phóng túng, thiếu trách nhiệm với gia đình. Từ nhỏ, Hoài đã thiếu tình thương của người cha và phải chứng kiến cảnh cãi cọ giữa cha mẹ. Có lẽ vì thế, để có một cuộc sống khác với hiện tại, trong hoàn cảnh của mình, cô đã tìm đến một giải pháp chấp nhận chung sống với một người đàn ông. Nhưng hạnh phúc đâu có dễ kiếm như vậy!? Thực ra, vấn đề không phải là chung sống với ai mà là ở chỗ mình là người như thế nào? Không ai có thể đem lại hạnh phúc cho mình nếu chính mình không có khả năng kiến tạo hạnh phúc. Cuộc chạy trốn đó rốt cuộc nhiều khi lại làm mình rơi vào chính hoàn cảnh mà mình đã trốn chạy.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, đa số cuộc sống chung trước hôn nhân đều xuất phát từ những quyết định chưa chín chắn. Không ít trường hợp, người con gái còn không biết bạn trai nghĩ gì về mình. Hằng và bạn trai quen nhau được 1 năm và họ đã sống chung với nhau được 5 tháng. Đáp lại câu hỏi khẩn thiết của cô: “Sao anh chưa muốn cưới em?” anh ta trả lời rằng rất muốn cưới em nhưng chính anh ta cũng không biết vì sao mình ‘chưa thực sự sẵn sàng”. Nhưng vì sao anh ta chưa sẵn sàng thì chính cô cũng không hiểu. Trong khi Hằng luôn thấp thỏm thì anh ta lại hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống hiện tại không hôn thú mà khi người ta đã hài lòng với cuộc sống hiện tại thì ít khi nào muốn thay đổi. Vì vậy Hằng sẽ phải là người thay đổi, đó là lối thoát duy nhất trong tình thế này vì càng kéo dài thì người thiệt thòi chính là Hằng chứ không phải ai khác.
 

Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi hai người chung sống trước hôn nhân, phụ nữ luôn bị “lép vế” bởi họ sợ người đàn ông sẽ không cưới mình. Vì thế họ luôn phải nhún nhường, thậm chí chịu đựng. Có những người đàn ông xác định rõ vị trí của người bạn gái sống chung là hãy phục vụ anh ta nếu như không muốn chia tay. Nhưng vì sao người “vợ hờ” lại chấp nhận như vậy? Không có cách giải thích nào khác hơn ngoài câu nói cửa miệng của họ rằng: “Tôi yêu anh ấy”. Nhưng tại sao một người phụ nữ lại có thể yêu một người coi thường mình? Đó có phải là tình yêu không hay thực ra chỉ vì họ sợ cô đơn? Và họ cảm thấy biết ơn khi người đó sống chung với mình?

Các nhà tâm lý học ở nhiều nước trên thế giới đều có chung một nhận xét rằng tất cả những người chung sống trước khi kết hôn đều là những người nôn nóng. Họ không muốn bỏ thời gian và nỗ lực xây dựng một nền tảng vững chắc cho cuộc hôn nhân. Đó là hành vi về cơ bản của kiểu người hay đòi hỏi phải làm vừa lòng tôi ngay lập tức vì tôi muốn như thế và cần phải được như thế.

Thực ra, phụ nữ đến sống chung với bạn trai không phải là để xét lại anh ta ở “cự ly gần” mà là để được chăm sóc và yêu thương. Họ thường tự bào chữa rằng: “Hoàn cảnh của chúng tôi khác với mọi người”. Nhưng muốn nói gì thì nói, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, nếu ai đó nghĩ rằng việc sống chung sẽ giúp họ tìm ra cách để hai người sống bên nhau suốt đời là một ý nghĩ ngu ngốc. Nếu anh ta không muốn lập gia đình còn bạn thì muốn và đến sống với anh ta để bày “trò chơi hôn nhân” thì chắc chắn bạn sẽ không đạt được gì cả. Sự thực là bạn đã hy sinh những gì quý báu nhất của mình để đổi lấy hy vọng mong manh rằng bạn sẽ đạt được điều bạn mong muốn. Hậu là đến một lúc bạn sẽ bực tức và thất vọng vì bạn trai vẫn tiếp tục gần gũi mà không đáp lại điều bạn mong muốn là hôn nhân. Và lúc ấy, không có con đường nào thông minh hơn là phải rời bỏ anh ta. Thế là, một cuộc tình đáng lẽ ra sẽ dẫn đến hôn nhân hạnh phúc nhưng chỉ vì nôn nóng chung sống trước hôn nhân mà thành ra dang dở một đời.

Laura Schlessngger, một nhà nghiên cứu về sống thử đã nói rằng: “Với tôi, lý do duy nhất có thể khiến tôi chung sống với một ai đó là khi tôi không muốn lấy anh ta”. Từ đó có thể hiểu rằng, nếu bạn thật sự muốn lấy ai thì đừng dại dột chung sống với anh ta trước hôn nhân. Không những thế, ngay cả những trường hợp đi đến hôn nhân thì một nghiên cứu ở Mĩ cho thấy, khoảng 10 năm sau ngày cưới, tỉ lệ ly hôn ở những đôi đã từng chung sống trước là 51%, tức là cao hơn hẳn những cặp đã kết hôn mà trước đó ở riêng. Đặc biệt, một cuộc nghiên cứu ở Thuỵ Điển – một quốc gia có nhiều người chung sống không hôn thú nhất, người ta nhận thấy sự chung sống trước hôn nhân có liên quan đến nguy cơ li dị lên đến hơn 80%. Từ những khảo sát thực tế đó, nhà tâm lý học David Mayers khẳng định: “Những cặp chung sống trước hôn nhân có tỉ lệ li dị cao hơn những người trước đó sống riêng”.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà đã đưa ra bốn lời khuyên với bất cứ ai đang nghĩ rằng chung sống trước kết hôn là điều nên làm:

- Đừng sống thử hơn một lần: Nếu bạn đã một lần sống thử không thành công thì lần sau nên kết hôn chính thức trước khi chung sống. Theo giáo sư Popenoe, khi bạn thay đổi đối tác càng nhiều thì đó là dấu hiệu cho biết khả năng chung sống với người khác của bạn có vấn đề, rất có thể điều đó sẽ tái diễn trong tương lai.

- Cần đặt thời hạn cho giai đoạn chung sống trước kết hôn, không để kéo dài một cách tùy tiện.

- Không nên sống thử với người có con sống cùng: Theo khảo sát năm 2006, 41% các đôi sống thử ở Mỹ có kèm theo con riêng. Thực tế cho thấy những người sống thử có con riêng có tỉ lệ đổ vỡ cao hơn những đôi có con riêng nhưng kết hôn chính thức, bởi con cái là nguyên nhân đáng kể đưa những đôi sống thử tới chia tay.

- Cuối cùng, các nhà nghiên cứu vẫn cảnh báo bạn hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định chung sống trước kết hôn. Sống thử không có nghĩa là bạn sẽ ít có khả năng ly dị hơn. Cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ chung sống trước kết hôn sẽ bảo đảm cho bạn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn những đôi chung sống sau kết hôn.

 Hải Anh
Tổng hợp