Bốn trong mười cặp sẵn sàng “tháo chạy” khỏi cuộc hôn nhân vì không thể giải quyết một số vấn đề. Và ít nhất là có một trong 10 cặp thú nhận rằng họ hoàn toàn không còn tin tưởng nhau.

Các nhà khoa học đã tiến hành phỏng vấn 3.000 cặp tình nhân và nhận ra rằng, đa số họ cảm thấy thiếu một trong các yếu tố sau: tình dục, sự chăm sóc nhau, cảm giác gắn kết thiêng liêng và những giây phút lãng mạn. Chính sự thiếu thốn những điều này khiến 60% người được thăm dò cảm thấy mối quan hệ vợ chồng của họ bị bế tắc. Nhiều người trong số họ cảm thấy cuộc sống không còn chút đam mê nào dành cho nhau. Nhưng thay đổi nó thế nào thì họ không biết.

“Mặc dù những người từng ly hôn cũng đồng ý rằng lòng tin, sự trung thực, sự quan tâm chia sẻ là những yếu tố hết sức quan trọng tạo nên sự hòa hợp của gia đình. Nhưng bên cạnh đó họ cũng tuyên bố rằng những trục trặc trong tình dục có thể phá vỡ ngay cả những mối quan hệ tốt đẹp và vững chắc nhất.” – các nhà tâm lý tuyên bố.

Bên cạnh đó còn có một vài yếu tố khác có sức công phá đời sống hôn nhân không kém phần mạnh mẽ. Gần 50% những phụ nữ được hỏi than vãn rằng chồng của họ không còn dịu dàng và quên hết những cử chỉ đẹp mà họ thường thể hiện khi còn yêu nhau.

33% số người được hỏi cảm thấy thiếu thốn  những bằng chứng của tình cảm. Và những bằng chứng đó đều là những chuyện rất thông thường : những chuyến nghỉ mát lãng mạn, những bữa ăn với nến hay thậm chí là một bó hoa...

“Thật đáng buồn khi hầu như ai cũng cố gắng thể hiện mình thật tốt đẹp vào thời kỳ đầu, thậm chí là tốt hơn bản chất thực của họ,  nhưng chỉ sau một thời gian là họ “thư giãn” và không còn cảm thấy điều đó là cần thiết nữa”- David Brown, một trong những tác giả của nghiên cứu khoa học này cho biết.

Theo David Brown, giai đọan hoa và quà của khá nhiều cặp tình nhân kết thúc rất nhanh sau khi sống chung. Sau giai đoạn đó, những cặp tình nhân bắt đầu đối xử với nhau một cách rất “sòng phẳng” :  những cử chỉ đẹp, những chăm sóc quan tâm dần dần biến mất và thay vào đó là một cuộc sống đời thường tẻ nhạt.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đưa ra một vài con số đáng lưu ý sau:

13% các cặp sống chung không mấy tin tưởng vào tương lai lâu bền của mình. Lý do quan trọng nhất là họ có những cái nhìn khác nhau về tương lai đó.

19% không dành cho nhau thời gian và sự quan tâm tốt nhất.

16% không thể ngồi lại cùng giải quyết các vấn đề chung.

7% sống với nhau do thói quen chứ không còn tình yêu.

“Tất nhiên, các nhà tâm lý đã nhận thấy từ lâu, rằng các vấn đề như thế trong mối quan hệ gia đình có thể xuất hiện sau một, ba, bảy, mười một hay hai mươi năm chung sống"  – nhà tâm lý học Andrei Platonov phát biểu. "Nhưng vấn đề không phải ở thời gian mà là ở chỗ điều gì đã xảy ra giữa các cặp yêu nhau? Nếu bạn là người đi khảo sát, bạn sẽ nghe được những câu như thế này : “Tôi mệt mỏi vì anh ấy (hay cô ấy)” ; “Cô ấy (anh ấy) không hiểu tôi” ; “Chúng tôi thường xuyên cãi nhau”.

Và như thế, theo Liz Jane - một chuyên gia về các mối quan hệ : Sự gắn bó về tâm hồn có thể lớn lên theo thời gian, nếu cả hai người đều cùng mong mỏi điều đó và hiểu rằng phải thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, phải kiên nhẫn chịu đựng nhau và khéo léo trong cư xử với nhau một cách thường xuyên, thậm chí là mỗi ngày. Sự gắn kết thực sự của hai trái tim chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của những thỏa thuận lâu dài, những nhường nhịn và chăm sóc dành cho nhau.
 
Theo PNO/pravda