Sinh ra vốn là gái thành phố, chị Hoa lấy anh là người khác tỉnh. Trước khi cưới nhau, anh chị đều có công việc ổn định với mức thu nhập kha khá nên đã nhanh chóng tự lập, dành dụm mua được căn nhà nho nhỏ và sống ổn thoả ở thành phố tuy nhiên bố mẹ chồng thì vẫn ở quê. Nhà có độc đinh một anh con trai, hai cô em gái đã theo chồng, bố mẹ chồng cũng đã già yếu nên chị Hoa đã năn nỉ bố mẹ chồng rời quê lên thành phố sống với hai vợ chồng để anh chị có thể tiện bề chăm sóc, phòng khi các cụ trái gió trở trời nhưng với lí do: “Già rồi sống bó buộc trong mấy bức tường, không quen. Ở quê còn có bà con hàng xóm sát vách, có chút vườn tược để ông bà chăm sóc cho đỡ buồn tay buồn chân, chứ lên thành phố chỉ ngồi một chỗ, không quen thân với ai thì buồn chết mất” vậy là ông bà nhất mực từ chối.
Biết chắc bố mẹ chồng sẽ ngậm ngùi muốn dâu con, cháu chắt sống kề bên nhưng chị và anh thì không thể về sống bên cạnh các cụ được. Để các cụ vò võ một mình cũng không an lòng nên chị tự nhủ “mỗi tháng tranh thủ thu xếp công việc, con cái khỏe mạnh cũng về thăm bố mẹ chồng một hai lần…”. Nghĩ là thế nhưng cưới xong, công việc bận rộn, lại thêm con cái ốm đau suốt ngày nên chị không hoàn toàn thực hiện được lời hứa.
Nhiều lúc không có việc gì quan trọng, anh Quang nổi hứng lên và chỉ nói với chị Hoa rằng: "Anh về quê!", thế là tay vơ quần áo cho vào ba lô rồi lên đường không cần biết vợ con thế nào. Có nhiều hôm, lúc con đang sốt, vợ ốm, nhưng anh Quang nhìn thấy chị vẫn đủ sức để xoay xở một mẹ một con, thế là mặc kệ vợ đang rên hừ hừ, con đang khóc ngặt, anh vẫn điệp khúc “Anh về quê” và về cho tới khi hết ngày phép thì thôi.
Đi công tác, không ở nhà thì thôi nhưng khi về đến nhà, được nghỉ một hai hôm là anh vừa về “trút” cho vợ một vali quần áo bẩn rồi “lặn” thẳng về với bố mẹ. Không tháng nào mà anh dưới bốn lần về quê trong khi quê thì cách nhà cả trăm cây số. Tính ra thời gian anh đi công tác và về quê nhiều hơn thời gian anh ở nhà với vợ con. Lắm lúc chị Hoa nghĩ cũng tủi thân và ấm ức vì chồng dường như không tồn tại khái niệm “còn có vợ con”.
“Lúc đầu thì tôi cũng nghĩ, bố mẹ chồng già yếu, dù sao mình không thể ngăn cản việc anh về thăm bố mẹ. Các cụ cũng không sống với mình được bao lâu nữa nên việc chồng thường xuyên te tắt và ở lại quê nhiều ngày là điều tốt nhưng lắm lúc nghĩ cũng tủi thân vì cần việc gì đến chồng thì không thấy chồng bên cạnh. Khi hàng xóm xì xào tôi là phụ nữ không chồng mà có con thì tôi mới thấy hình như anh bỏ bẵng mẹ con tôi thì phải!”, chị Giang buồn rầu tâm sự.
Gần đây chị lại phát hiện nhà chồng có thói quen bói toán, đang bỗng dưng gọi điện thúc giục bảo “động mồ mả”, khi thì đi đường vì bận suy nghĩ suýt bị xe đâm lại cho rằng không chuyên tâm cúng bái chu toàn nên “thánh quở”. Con cái hay người nhà ốm đau đều quy về do "âm" cả. Chồng chị vì chăm về quê nên dần dần cũng rất "tín" răm rắp làm theo, về nhà bắt vợ cúng bái cho bằng được. Can ngăn chồng thì không dám vì mấy lần chị đã bị anh mắng: “Không hiếu thuận, không biết tôn trọng tín ngưỡng của nhà chồng…”.
Dù không muốn chồng phải tách xa gia đình vì đó là những người ruột thịt của anh nhưng cứ nghĩ đến cảnh mẹ con vò võ, anh thay đổi tâm tính chị lại muốn tìm mọi cách ngăn cản sở thích về quê của chồng.