Việc ăn uống trong gia đình tưởng chừng như đơn giản, nhưng quanh bữa ăn tưởng chừng như vô thưởng vô phạt đó lại có rất nhiều điều đáng bàn. Thậm chí, ngay cả khi nhiều cặp vợ chồng đã được bố mẹ cho ăn riêng để tránh va trạm thì vẫn có những tình huống đáng buồn xảy ra.

Tiết kiệm chi tiêu: Đồng nghĩa với “keo kiệt”

Chị Thùy Dương (Cầu Giấy) vẫn nhớ ngày được bố mẹ chồng cho ra ăn riêng, chị đã khấp khởi mừng thầm như thế nào. Vì chị Dương hiểu, việc ăn chung với bố mẹ chồng sẽ không tránh khỏi những va chạm, từ những việc nhỏ như: món ăn không phù hợp với sở thích và lứa tuổi, giờ giấc khác nhau, đó là chưa kể đến việc đóng góp không đồng nhất cũng có thể là một nguyên nhân không nhỏ. Chính vì vậy, khi mẹ chồng quyết định cho vợ chồng chị ăn riêng để thuận lợi hơn cho cả hai bên chị cứ nghĩ từ đây mọi cái có thể do mình hoàn toàn kiểm soát. Nhưng rồi chị mới hiểu, ăn riêng mà vẫn có nỗi khổ chung.

Chị Thùy Dương chia sẻ, từ khi được bố mẹ chồng cho ra ăn riêng, hai vợ chồng chị xác định vì mới lấy nhau, kinh tế còn chưa vững nên đã thống nhất ăn uống, chi tiêu tiết kiệm một chút còn có đồng để dành phòng khi sinh con. Gọi là tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chỉ là không dư thừa, phí phạm mà thôi. Ăn riêng nhưng vẫn sống cùng nhà nên mẹ chồng chị nhiều khi không hiểu, nhìn bữa ăn có phần thanh đạm của vợ chồng chị cứ trách móc chị keo kiệt làm khổ chồng. Chị ngậm ngùi kể lại: “Mẹ chồng mình có thói quen đi chợ mua nhiều đồ ăn, lắm bận nấu lên ăn vài ngày không hết món đó. Còn mình chỉ mua ít một, ăn hết trong ngày rồi chuyển món khác. Thành ra lắm lần, thấy vợ chồng mình ăn cơm, mẹ chồng mình cứ ngấm nguýt ‘Có tí thức ăn như cho mèo thế này thì vừa ăn vừa nhìn nhau à?’”.
 

Chị Thùy Dương kể với chồng, chồng chị cũng an ủi: “Tính mẹ vậy, em cũng thông cảm đi, lâu dần rồi mẹ cũng quen thôi”. Nhưng chị Dương vẫn không thể nào hết ấm ức khi nhiều bữa, có bạn bè của chồng tới chơi, chị nấu nướng cũng đủ món, nhưng bữa ăn vừa mới bắt đầu, mẹ chị lại bưng ra cả một đĩa sườn xào chua ngọt to đùng với thiện ý: “Sợ vợ mày nó ki cóp nấu có tí đồ rồi mày dơ với bạn mày con ạ”. Cho đến giờ, nhắc lại câu chuyện đó, chị Dương vẫn ứa nước mắt vì tủi thân.

Cùng chung nỗi khổ như chị Dương,  khi được hỏi về những rắc rối gặp phài dù đã ra ăn riêng, chị Thủy (Hoài Đức) cũng bùi ngùi tâm sự: “Tưởng bố mẹ cho ra ăn riêng, thôi thì sướng khổ thế nào hai vợ chồng chung lưng đấu cật nhưng cũng vẫn bị nghi ngờ là ích kỉ, bất hiếu chỉ vì tội khép cửa phòng ăn một mình. Tủi thân lắm”.

Nhà chồng chị Thủy kinh tế khó khăn, nên hai vợ chồng vừa lấy nhau về, chân ướt chân ráo được 3 ngày mẹ chồng đã bắt dọn ra ăn riêng. Mới lấy nhau, lại phải sắm đủ thứ từ xoong nồi, bát đĩa… nên chi tiêu rất eo hẹp. Nhiều bữa, vợ chồng chị Thủy hết tiền, bữa ăn rất đơn giản, thậm chí là đạm bạc. Ngại bố mẹ chồng nhìn thấy, nên hai vợ chồng chị Thủy toàn khép cửa phòng ăn nhanh chóng cho xong. Ai ngờ mấy hôm sau, chị Thủy nghe thấy mẹ chồng nói với nhà hàng xóm: “Không biết vợ chồng nó ăn cao lương mĩ vị gì mà toàn đóng cửa phòng ăn vụng, ăn trộm một mình, không nỡ mời bố mẹ lấy một câu”. Từ đó, chị Thủy bực mình cứ mở toang cửa phòng mà ăn, mặc cho mẹ chồng nhìn thấy trong mâm cơm chỉ toàn đậu với rau để cho bà đỡ hoài nghi.

Ăn uống dư giả: Bị chê là hoang phí

Trái ngược hoàn toàn với cảnh của hai người phụ nữ trên, chị Linh lại khốn khổ vì ăn uống dư giả quá. Vì vợ chồng chị Linh đều có thu nhập khá giả, nên bố mẹ  chồng sợ ăn chung sẽ phiền con cái nên quyết định cho anh chị ăn riêng. Vốn bản tính phóng khoáng, kinh tế lại khấm khá nên bữa ăn của vợ chồng chị Linh rất nhiều món. Chị Linh cũng không quên mỗi khi nấu món gì ngon ngon, đặc biệt chị đều bưng lên mời bố mẹ chồng ăn cùng. Những tưởng như thế sẽ được mẹ chồng đánh giá là con dâu hiếu thảo, ai dè, mẹ chồng chị nhìn món ăn chị nấu bèn dè bỉu: “Gớm, anh chị ăn sang quá nhỉ, thế này mà ăn chung thì bố mẹ lấy đâu ra tiền mà theo được. Không nhờ biếu cho bố mẹ một bát như thế này thì cả đời chắc bố mẹ cũng chẳng dám mua về ăn đâu”.

Từ lần đó, chị Linh rất hạn chế nấu nướng cầu kì ở nhà, cuối tuần hai vợ chồng ra ngoài nhà hàng ăn chất tươi cải thiện để tránh cho bố mẹ phật ý. Nhưng thế vẫn không phải là giải pháp, vì tối cuối tuần, vợ chồng chị Linh vừa bước chân ra khỏi cửa, mẹ chồng chị đã “dặn dò”: “Mẹ nói để các con biết, các con có tiền muốn làm gì thì làm thôi, nhưng các con phải hiểu, sông có khúc, người có lúc. Sống là phải biết chi tiêu tiết kiệm phòng khi có sự cố bất ngờ, chứ đừng có vung tay quá trán, nay quán xá này, mai nhà hàng nọ rồi có ngày hối không kịp”.

Xung quanh chuyện bữa ăn cũng có bao điều xích mích xảy ra. Nhiều nàng dâu luôn bị mẹ chồng quá săm soi và xét nét đủ điều dù đã được cho ra ăn riêng. Thiết nghĩ, những bậc cha mẹ chồng nên để cho con dâu học cách quản lí kinh tế, mà việc đơn giản đầu tiên là qua việc tổ chức những bữa ăn. Đó cũng là cách để giúp đỡ con cái trưởng thành và có kinh nghiệm hơn trong việc quán xuyến gia đình.