Chúc mừng bạn, nếu câu trả lời của bạn là “Chưa”. Hi vọng, những mẩu chuyện nhỏ mà tôi sắp kể ra đây sẽ cho bạn biết bạn là người may mắn như thế nào, khi không phải đứng trước những sự lựa chọn tế nhị.
“Chồng tôi là con trưởng”, một chị kể. “Đối với anh ấy, việc về quê nội đón giao thừa là quyền lợi và nghĩa vụ hiển nhiên”.
Cả hai vợ chồng đều là người tỉnh lẻ, sau khi học xong đại học thì làm đám cưới, bám trụ luôn ở Thủ đô. Giờ ngồi ngẫm lại, mới giật mình nhận ra rằng, mười mấy năm qua, tôi đã bị cuốn triền miên vào quyền lợi và nghĩa vụ của chồng.
Mỗi khi Tết đến, đợi lúc đồng hồ gần điểm đến 12h, thể nào tôi cũng phải gọi về cho ông bà ngoại. Không ít năm, đường dây liên lạc bị tắc nghẽn, phải đến hai, ba giờ sáng, tôi mới nối được máy.
Bố mẹ tôi có 5 người con gái, đứa ở gần, đứa phiêu dạt phương xa. Không đứa nào ở bên ông bà vào đêm giao thừa nên ông bà ngồi đếm từng cuộc gọi.
Có năm tôi mải việc nhà chồng, lúc nhìn đồng hồ thấy đã quá muộn nên tặc lưỡi, để sáng mồng một sẽ gọi về sớm. 8h sáng gọi điện, cả hai ông bà cùng vồ lấy máy.
Giấc ngủ đầu năm của những người sinh thành ra tôi bắt đầu vào lúc 8h30’. Chỉ khi nói chuyện được với đứa con gái cuối cùng, họ mới yên lòng lên giường đi ngủ.
Những cuộc điện thoại của tôi bao giờ cũng ngắn ngủi, vì nước mắt khiến tôi nghẹn ngào. “Đầu năm mới, không được khóc, kẻo xui cả năm”, thời còn rúc váy mẹ, bao giờ tôi cũng phải nghe câu này, đến phát chán. Giờ chỉ thèm được mắng mỏ, dặn dò tỉ mẩn một lần như thế nữa, mà sao quá xa xôi.
Tôi đã từng đề nghị với chồng cho cả nhà về đón giao thừa với ông bà ngoại một lần, nhưng anh ấy nhìn tôi như người từ sao Hỏa xuống. Giờ đây, mỗi lần nghĩ đến Tết, tôi vẫn thường nhìn thấy hình ảnh cô đơn của mình bên cái máy điện thoại.
Tôi thuộc tuýp người dễ bằng lòng nên cuộc sống vợ chồng có thể được đánh giá là bình yên, hạnh phúc, nhưng trong những giờ phút giao thoa của năm cũ và năm mới, tôi luôn có cảm giác trống vắng và mất mát.
Một câu ca dao thuộc lòng từ thuở nằm bắt mẹ gãi lưng và hát ru luôn ám ảnh tôi vào thời khắc đặc biệt ấy: “Thân em như hạt mưa sa...”.
“Vợ chồng tôi cũng từ tỉnh lẻ lên phố lập nghiệp”, một người nữa góp chuyện. “Nhà tôi cách nhà anh ấy 15km nên năm nào cũng được ăn Tết ở cả hai bên nội ngoại. Tuy nhiên, chỉ có một lần, chúng tôi đón giao thừa bên ngoại.
Tết ở nhà tôi rất vui. Ba ông anh trai ở quây quần quanh ông bà nên phải làm đến ba mâm cỗ trong bữa tất niên. Đêm giao thừa, chồng tôi chuếnh choáng say vì phải chúc rượu đến mấy chục lượt với bố vợ, mẹ vợ, anh vợ, chị dâu của vợ, cháu vợ, rồi cả cô chú bác bên vợ kéo sang xông đất...
Vậy mà 5h sáng, đã thấy anh gọi thằng cu lớn dậy để lên đường về nhà nội. Vợ chồng suýt cãi nhau ngay trong ngày đầu năm chỉ vì cu lớn đang tuổi ăn tuổi ngủ, vừa gà gật vừa van vỉ bố cho nó nằm thêm lát nữa.
Cuối cùng, với rất nhiều lý lẽ dài dòng của tôi về việc chẳng nhất thiết phải về sớm như thế làm gì, chờ trời sáng, con tỉnh hẳn ngủ rồi cả nhà cùng đi, anh đành nhượng bộ: “Con không về thì để bố về trước, ba mẹ con về sau vậy!”.
Tiếng “về” của anh nghe thật xa lạ. Dù anh là hoạt náo viên trong đêm giao thừa, nhưng khi nhìn thấy anh kiên quyết dắt xe đi “về” khi trời còn chưa tỏ, tôi chợt nhận ra rằng, ở nhà vợ, anh chỉ coi mình là khách qua đường.
Từ đó, để ý nhiều hơn, tôi nghiệm thấy, với bên nội, anh dùng từ “về”, còn bên ngoại, anh dùng từ “đến, sang chơi”.
Chồng tôi không quan tâm nhiều đến ngôn ngữ nhưng dường như có một sự vô thức tiềm ẩn truyền kiếp đã khiến anh dùng từ rạch ròi, phân biệt như thế.
Chẳng hiểu sao, đàn bà mình, bao nhiêu năm ăn Tết ở nhà chồng thì thấy bình thường, mà đối với các ông ấy, việc đón giao thừa ở nhà vợ lại là chuyện bất đắc dĩ.
Đâu cũng gọi là bố mẹ, mà sao còn nghĩ đến chuyện “về” hay chỉ là “sang chơi” thôi?”. Nghe như có tiếng thở dài trong câu nói cuối cùng của người phụ nữ.
Giờ bạn đã nhận ra bạn là người đàn bà hạnh phúc khi không phải lựa chọn việc ăn Tết ở đằng nội hay đằng ngoại chưa?
Tôi đã từng thấy nhiều đôi uyên ương đang say sưa trong mật ngọt của tuần trăng mật, tháng trăng mật tranh luận rất hăng về chuyện ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại.
“Năm đầu ở nhà anh, năm sau về nhà em, cứ thế mà luân phiên”, một sự giao hẹn có vẻ khách quan và công bằng.
Nhưng tôi đồ rằng, theo sự bào mòn của năm tháng, tỉ số ăn Tết ở đằng nội thể nào rồi cũng lấn át đằng ngoại. Cứ thử hình dung chồng bạn trở thành ông khách trong chính ngôi nhà bạn đã sinh ra và lớn lên xem! Bạn sẽ chẳng thể nào yên ổn với cách đi ra đi vào thừa thãi chân tay đến chóng mặt của anh ấy.
Bố mẹ bạn, anh chị bạn, bản thân bạn chiều chuộng anh ấy hết mức, trong khi người đàn ông của bạn cố gắng lắm cũng chẳng thể đóng trọn vẹn vai vui vẻ trong những ngày náo nức sum họp như thế này. Rồi bạn sẽ lại tặc lưỡi trả anh ấy về nơi mà anh ấy muốn. Trả luôn cả bạn và con bạn đến đúng nơi mà chồng bạn muốn trở về.