Hôn nhân không phải là cuộc thi thử rủi ro (ảnh minh họa) - Ảnh: Gia Tiến |
Mau mau cho kịp heo vàng
Hạnh lấy chồng năm 2009. Cậu con trai gần 2 tuổi của cô có lẽ là trường hợp hiếm hoi được dự đám cưới của chính ba mẹ mình. Năm 2006, vừa tốt nghiệp đại học thì người yêu của Hạnh nói: “Ba má anh muốn có đứa cháu nội tuổi heo vàng, trai gái gì cũng được, thúc anh quá, em thấy sao?”.
Nhằm đảm bảo cho con gái, họ yêu cầu đôi trẻ đăng ký kết hôn trước. Hạnh không muốn vác bụng bầu làm cô dâu, phần vì ngại xấu, phần lười mang bụng bầu đi lo việc cưới hỏi. Do vậy thay vì chuẩn bị đám cưới, Hạnh và người yêu chuẩn bị cho bầu bì và sinh nở.
“Heo vàng” ra đời như mong đợi của ông bà nội, rồi công việc cuốn theo, mãi hai năm sau Hạnh mới cho con vịn áo cưới của mình. Hình ảnh cô dâu chú rể bế con trong ngày cưới của họ thật độc đáo và hạnh phúc.
Bầu trước cho chắc
Bị ám ảnh bởi sự hiếm muộn ngày càng nhiều, cô tôi - mẹ chồng tương lai của Lan - thẳng thắn tuyên bố trước mặt con trai và con dâu tương lai: có bầu rồi mới cưới.
Không bất ngờ và ngạc nhiên như ba mẹ Hạnh, bố mẹ Lan cười ha hả: “Bên đó họ tự tin thì mình lo gì. Cứ thử đi coi thằng rể tương lai có ngon lành không. Bây giờ trai tráng hỏng hóc “súng ống” cũng nhiều”! Thế là Lan cùng người yêu chuẩn bị sức khỏe và tinh thần để bước vào kỳ thi... đẻ. Mọi việc cưới hỏi đã có người khác đảm nhiệm.
Tôi hỏi Lan: “Em không sợ hai đứa thi rớt sao?”, Lan hài hước: “Theo điều tra sơ bộ của em thì khả năng thi đậu khá cao. Với lại chẳng lẽ vì sợ rớt mà không thi hả chị?”.
Lan trở thành cô dâu mang bầu đầy rạng ngời và tự hào trong ngày cưới.
Thi thử và trượt
Nếu như Hạnh (có việc đăng ký kết hôn để ràng buộc) và Lan may mắn trong việc đáp ứng những đề nghị khác thường của gia đình nhà chồng thì Trang lại không gặp may. Cũng được nhà chồng gợi ý với lý do thử trước cho chắc, ngạc nhiên, bối rối nhưng cô cũng miễn cưỡng nghe lời.
Sau gần năm trời thử thách mà không có kết quả, Trang đề nghị cả hai đi khám sức khỏe. Kết quả nguyên nhân từ người yêu của cô.
Phía “bên kia” bẽ bàng, đề nghị Trang quyết sao chịu vậy... Trang nói: “Thật ra em vẫn còn may mắn, đi khám thấy nhiều chị biết nguyên nhân tại mình đau khổ lắm!”. Rồi Trang vẫn quyết định kết hôn với người yêu, tích cực giúp chàng điều trị và vui vẻ chờ đợi. Phía sau cô còn có cả đội ngũ hùng hậu nhà chồng tiếp sức và ủng hộ.
Hạnh và Lan là những cô dâu may mắn vì được sự ủng hộ của hai bên trong việc chủ động có bầu rồi mới cưới. Dù việc họ mang bầu trước khi cưới là do mong muốn của “phía bên kia” nhiều hơn là của chính họ, tuy nhiên hạnh phúc của họ là một hạnh phúc kép: vừa được làm vợ vừa được làm mẹ.
Song đề nghị xuất phát từ phía nhà trai thường đặt các cô dâu vào tình thế khó khăn. Để đối mặt với tình huống này cả cô dâu và chú rể tương lai cần thận trọng quyết định.
Nhiều rủi ro
* Thủy Nhung, 22 tuổi, sinh viên năm 4: ”Tôi chỉ thông cảm lý do sinh con cho hạp tuổi hoặc tuổi đẹp, với lại có đăng ký kết hôn làm bảo đảm thì ngại gì mà không thử!”.
* Sâu Non, 19 tuổi, sinh viên năm 1: ”Tôi thấy đề nghị đó kỳ kỳ, nhiều rủi ro quá! Nếu là tôi, có thể tôi sẽ từ chối”.
* Thanh Châu, 27 tuổi, nhân viên văn phòng: ”Tôi không đồng ý, nhiều rủi ro lắm, thử trong bao lâu? Nếu không có thì đâu biết tại ai, lại phải đi khám à? Mà khám xong biết nguyên nhân tại ai thì cũng đau khổ, bỏ nhau sao?”.
* Ngọc Thảo, 29 tuổi, nhân viên môi giới bất động sản: “Tôi không bao giờ đồng ý. Dù lý do gì cũng vô lý, chẳng khác nào họ tìm một người để sinh con chứ không phải vì yêu thương mình. Đã là con thì tuổi nào mà chẳng được, sao cứ phải heo vàng?
Còn vụ thử trước, tôi thấy giống thời phong kiến quá ”tam niên vô tự bất thành thê”, không có con là cho lấy vợ khác.
Vợ chồng không có con cũng buồn, nhưng vì không có con (bất luận do vợ hay chồng) mà chia tay thì tôi thấy tình yêu đó quá ích kỷ”.
T.DIỆP ghi |
Theo Tuổi trẻ