|
Sai mọi lúc mọi nơi
Chị em có thể sai vặt bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Như thể đó là đặc quyền của phái yếu (kiểu như sinh con hay làm đẹp vậy). Ở ngoài đường, họ chẳng ngại ngần vẫy tay khi cần dắt xe, đạp nổ... Đến cơ quan, chuyện "ới" anh ngồi bên phải lấy cho tờ giấy in, huých em bên trái bật quạt, giật người ngồi phía trước cầm hộ cái USB, quay lại người phía sau bảo nhặt cho cái bút với họ là chuyện thường ngày ở huyện.
Nhưng "bản tính" sai vặt của các quý bà bộc lộ đầy đủ nhất là khi trở về ngôi nhà của họ. "Anh à, lúc nào về nhớ qua nhà bà ngoại lấy bộ đồ ngủ cho em rồi qua siêu thị mua sữa cho cu Tít, mua phô mai cho bà, nhân thể lấy luôn một chai dầu hào, một lọ cà dầm cho em nhé. À mà đừng có quên vụ mua siro cho con nữa đấy nhá...". Cứ thế, vừa nhoay nhoáy tra chìa vào ổ khóa, nàng vừa thao thao điện thoại "nhờ" chồng những việc mà "ở gần chỗ cơ quan anh đấy" hoặc "trên đường anh về".
Trở về nhà sau giờ tan sở, nơi đầu tiên mà đàn bà tìm đến là cái bếp và đây cũng chính là lãnh địa là họ có nhiều cái cớ để ai vặt nhất. Kho được nồi cá thì nhờ bố đập xả, bóc hành, bảo con nhặt chuối xanh, cạo me. Pha bát nước chấm thì sai con cắt chanh, bố tìm hộ lọ đường. Mỗi khi mẹ đã nổi lửa là rộn ràng lắm. Nào con cuống cuồng chạy ngược lên tầng tìm họ hạt tiêu, nào bố không vội chìa lọ bột ngọt thì cũng lảng vảng quanh đó mà chờ lệnh, léng phéng chậm chân là thể nào cũng bị đầu bếp càu nhàu. Rồi mẹ mà đã dọn mâm thì bố phải tự biết đường mà bê lên nhà cũng như khi mẹ rửa bát thì con đừng lảng tránh việc úp chúng lên giá. Sự góp sức của các thành viên cho bữa ăn gia đình là thứ gia vị mà các bà nội tướng yêu thích nhất thì phải.
Chẳng cứ khi làm lụng tất bật mà ngay cả lúc thảnh thơi thư giãn chị em cũng không quên sai vặt: xem tivi thì nũng nịu bảo chồng lấy cho cái điều khiển, đi tắm thì nhõng nhẽo gọi chồng đưa khăn, đọc xong báo í éo giúi vào tay chồng cất hộ, thậm chí lên giường rồi còn "thả màn em cái chồng ơi". Cứ thế chỉ đến khi nào chìm vào giấc ngủ họ mới thôi sai vặt.
Không hiểu có phải do khao khát khẳng định uy thế của mình trong gia đình hay không nhưng rõ ràng là chị em rất lấy làm hãnh diện mỗi khi sai được chồng con. Họ nhắc đến chuyện chồng đã "chịu" nghe họ sai như thế nào với vẻ mặt dương dương tự đắc. Họ hào hứng mang chuyện chồng con phục tùng ra khoe kiểu như: "Hôm qua về nhà sướng rơn, mình một mạch đi thẳng lên phòng, mấy việc vặt vãnh bổ đầu ba bố con, ai làm phần nấy", "ở nhà mình chẳng có chuyện mẹ đã sai mà lại không làm hoặc bầy biện lý do này nọ". Và đáp lại câu chuyện ấy là những cái suýt xoa kiểu "sướng thế, phởn nhé, oách nhỉ" của người nghe, tất nhiên cũng toàn phụ nữ. Cũng có khi đáp lại là một giọng chua chát: "Thế chứ, đằng này ở nhà, mình chẳng khác gì ô sin bận quắn lên mà chẳng thể bảo được ai" và rồi thì trăm thứ khổ đau nhọc nhằn cứ theo đà đó mà tuôn ra ầm ầm.
Sai có nghề có nghệ
Chị em mà đã nhờ vả thì các đấng mày râu khó mà buông lời từ chối. Họ nhờ vả một cách ngọt ngào và nghệ thuật đến mức như thể đó là một lời tâm tình, một sự tin tưởng hay thậm chí một cách quan tâm đặc biệt. Họ che đậy hành động "chỉ tay" của mình trong những thứ được gọi là "làm cùng cho vui", "việc này không muốn người khác động vào", hoặc "biết là anh rành lắm em mới nhờ...". Họ điều khiển người khác ngay khi vừa mới giận nhau, vừa phán "chẳng trông chờ gì ở ông ấy đâu".
Nhưng không phải họ bạ đâu sai đấy đâu nhé. Họ rất biết sử dụng những bối cảnh "tiện đường", "tiện tay", "nhân thể lên trên đó", "một công ở dưới này", hay "làm cùng một thể cho bõ...".
Ấy vậy nhưng chị em cũng rất nhạy cảm với việc sai chồng, rất biết tùy cơ ứng biến. Những câu chuyện vui vẻ, những cái hả hê, hoan hỉ hay đắc thắng vì sai được chồng chắc chắn chỉ thấy ở những cuộc "dưa lê" toàn phe mùng 8/3, hoặc có mặt liền ông nào đó thì hẳn cũng chẳng có gì liên quan đến ông xã ở nhà. Chứ còn trước mặt chồng đố có thấy chị nào dám hả hê vì có một ông chồng dễ bảo hay dương dương tự đắc vì có uy sai chồng. Họ thừa khôn khéo để biết tránh động vào máu sĩ diện của đàn ông và hơn nữa họ vẫn muốn có lần sau "sai được nữa".
Nói như thế không hẳn là chị em không đả động gì đến chuyện "chồng được việc" trước mặt ông xã. Nhưng họ khéo đả động kiểu như công nhận thành tích hay chí ít cũng là bày tỏ sự cảm động trước sự giúp đỡ của chàng.
Còn khi nhà có khách hoặc nhất là có bố mẹ chồng đến chơi thì có đố chị em cũng chẳng dám đằng thẳng chỉ tay sai chồng. Nếu có sai thì cũng chỉ ẩn náu dưới những mỹ từ như "làm hộ "nâng đỡ" hay "giúp một tay...". Họ rất biết giữ thể diện cho chồng và hơn nữa phần nào họ cũng hiểu sai chồng không phải là việc... danh chính ngôn thuận. Và phụ nữ nói chung rất tài tình trong việc "pha chế" đúng liều và đúng lúc để thói quen sai vặt của họ trở thành một thứ gia vị đặc sắc làm nên "món" hạnh phúc gia đình.