Mẹ là nhất
“Nếu sống chung với bố mẹ, bí quyết để bênh vợ, bảo vệ vợ trước các cụ là không bênh ra mặt”, anh Thủy, 28 tuổi, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội, kết luận. Anh tự hào vì có một “chiêu độc” để bố mẹ mình chẳng những không hoạnh họe con dâu mà còn chăm chút, quan tâm đến cô.
Thủy là con út trong gia đình, hình thức lại trắng trẻo xinh trai nên dù đã lấy vợ, anh vẫn là cục cưng của bố mẹ. Hồi còn độc thân, bạn bè thường nói sẽ rất khó cho cô gái nào về nhà anh làm dâu.
Rồi khi anh có người yêu, và sau này là vợ anh - chị Hương, anh chiều chị từng ly từng tí. Đôi khi anh còn thể hiện tình cảm của mình hơi thái quá đến mức chị Hương cũng phải ngại ngùng. Chính anh cũng lo rằng, khi lấy nhau, bố mẹ anh sẽ “ngứa mắt” nếu thấy con dâu hớp hết hồn vía cậu ấm.
Vì thế, ngay từ khi Thủy mới cưới vợ, bố mẹ anh đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy cậu con trai “bé bỏng” của mình tỏ ra là một ông chồng hắc xì dầu, ra oai tác quái với vợ.
Hễ Hương làm món gì là anh nhăn mặt: “Sao em lại nấu chán thế này? Em phải nhờ mẹ hướng dẫn cho. Mẹ nấu mới ngon, có em làm vợ chắc cả nhà anh tụt cân mất…”.
Nhiều lần anh Thủy cố ý chê theo kiểu “sao không hâm nước mắm” trước mặt phụ huynh khiến bà mẹ anh bật cười. Nhìn cô con dâu vốn sắc sảo, thông minh, xinh đẹp nhưng vẫn chớp chớp mắt như nai nghe chồng chê bai, không dám cãi nửa lời, tự nhiên bà thấy thương. Thế là mỗi lần nghe con trai cưng mắng vợ, bà đều nhảy ra bênh chằm chặp. Hễ làm món gì ngon, bà đều háo hức hướng dẫn tỉ mỉ cho con dâu.
Rồi dần dần hai người phụ nữ này ngày càng yêu mến và gắn bó với nhau hơn. Họ cảm kích về nhau mà mẹ anh không biết rằng, tất cả bắt nguồn từ sự “dối trá” của anh Thủy.
“Tôi áp dụng chiêu này vì biết tâm lý phụ nữ, nếu thấy con trai lúc nào cũng chăm chút vợ thì tự nhiên ác cảm với con dâu, nhưng nếu con trai ra vẻ gia trưởng một chút là lập tức nảy sinh sự đồng cảm, rồi thông cảm. Được cái vợ tôi thông minh, chồng không cần bàn trước nhưng vẫn biết phối hợp rất ăn ý trong vụ này”, anh Thủy cười.
"Là người lớn cần phân biệt đúng, sai"
Đến thăm gia đình văn hóa của nhà bà Phúc (Ba Đình, Hà Nội), ai cũng phải ngưỡng mộ bởi quả đây là gia đình hoàn hảo, hạnh phúc. Tuy đã về hưu nhưng ông bà không lúc nào là ngơi tay bởi có đàn cháu hiếu động vây quanh.
Bà có hai cô con dâu nhưng cả hai luôn xem nhau như chị em gái. Chị Hằng, con dâu bà chia sẻ: “Mặc dù bố mẹ chồng không phải là người sinh ra và nuôi dưỡng mình. Nhưng mình có hiếu với bố mẹ chồng, anh ấy cũng sẽ kính trọng và có hiếu với bố mẹ mình.”
Tuy đã về hưu nhưng ông bà không lúc nào là ngơi tay bởi có đàn cháu hiếu động vây quanh
Chị chia sẻ, "Con dâu cần thể hiện tình cảm với mẹ chồng bằng hành động cụ thể. Lúc mới về làm dâu, mình rất ngố, nhiều cái không biết làm. Nhưng nhờ mẹ chồng bảo ban, chỉ cho từng ly từng tí một, giờ mình biết vun vén cho gia đình và nấu ăn ngon hơn. Mình rất hạnh phúc khi bố mẹ chồng mình rất hiền và tâm lý.”
Cả gia đình bà Phúc hiện cả thảy có 8 thành viên sống chung dưới một mái nhà. Bà luôn nhắc nhở các con cháu trong mỗi bữa cơm phải làm việc bằng chính sức lao động của mình, không nên dựa dẫm ỷ lại vào người khác. Mỗi bữa cơm của cả gia đình do một tay bà đảm nhận.
Bữa cơm sinh hoạt bình thường trong gia đình ông bà lúc nào cũng đầm ấm có già, có trẻ rôm rả tiếng nói, tiếng cười, niềm vui.
8 con người, mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào gia đình bà xảy ra những tiếng cãi vã, hay mâu thuẫn với nhau. "Để giữ cân bằng giữa các thành viên trong nhà, là cha mẹ bao giờ cũng phải làm gương trước con cái, phải biết phân biệt đúng sai, phán đoán được tâm lý phát triển của con, cháu để có cách bảo ban riêng", ông Tiến chồng bà chia sẻ.