Chuyện sinh con “trọng nam, kinh nữ” tưởng như chỉ có ở thời xưa, nhưng nó lại gây sóng gió ngay trong tổ ấm nhỏ của vợ chồng chị Nguyễn Thùy Linh (Từ Liêm, Hà Nội). Sinh con gái đầu lòng, chồng chị vui ra mặt, chăm chút từng li từng tý cho con gái. Linh nghĩ mình thật may mắn vì lấy được một người chồng tốt tính, mẫu mực. Ngay cả khi mang thai đứa con thứ hai, chồng cũng luôn nói với vợ: “con trai hay con gái cũng không quan trọng em ạ, mình có con thế là vui rồi.” Thế nhưng lần này, mọi chuyện có vẻ khác.

Lần trước, mình đi siêu âm ở một phòng khám, người ta nói là con trai. Chồng mình mừng lắm. Nhưng lần mới nhất đi siêu âm lại, bác sĩ lại bảo là con gái, mình có cảm giác chồng chán luôn từ lúc đó. Mấy hôm nay chồng về quê thăm bố mẹ, cũng chưa lên, cũng chẳng thèm nhắn tin hỏi thăm tin tức vợ bầu bí như nào, lại phải chăm thêm cả con nhỏ nữa. Tính mình hay tủi thân, cứ nghĩ chồng chán vì có con gái mà buồn.”
 
Nhiều phụ nữ chịu áp lực phải sinh con trai nối dõi (ảnh: internet)

Gánh nặng đặt lên vai chị Hoàng Kiều Mai khi chị lại là dâu trưởng, khó nữa là việc trong dòng họ, chỉ có chồng chị là cháu đích tôn, nên từ việc chọn dâu đến cưới hỏi, đều linh đình vì: “không chu đáo, không làm lớn thì mang tiếng cả họ.”

Chính vì thế nên từ khi làm dâu, chị Mai không khỏi lo lắng, áp lực phải sinh được thằng cu nối dõi, lúc nào chị mệt mỏi: “Nhiều lần, tôi cũng lên các diễn đàn mạng, hỏi các chị em về cách… làm sao để sinh được con trai. Thấy mỗi người khuyên một kiểu, người thì nói uống thuốc của người này, người kia, người thì lại khuyên chế độ ăn uống phải đủ chất này, tăng chất kia. Có người còn khuyên nên đi… xem bói, nhờ thầy cầu con hộ. Mỗi người nói một đằng, nên tôi cũng hoang mang lắm, chẳng biết nên thực hành thế nào để có được con trai.”

Có bầu được 4 tháng, chị buồn rầu về thông báo với chồng là con gái, chồng chị dù thất vọng ra mặt nhưng vẫn cố an ủi vợ. Chuyện chỉ căng thẳng cho đến lúc mẹ chồng lên thăm con dâu, bà nói những lời lẽ khiến chị Mai cảm thấy tủi cho thân mình. Bà gọi chồng Mai ra một phòng riêng, rồi phàn nàn: “nhà này vô phúc hay sao, con dâu không biết đẻ. Đẻ con gái lấy ai nối dõi tông đường cho nhà tôi, nếu sớm biết như thế, tôi đã không chọn cô con dâu như thế, anh có đi tìm đứa con trai bên ngoài tôi cũng chẳng có ý kiến gì.” Mặc cho chồng Mai giải thích, phân bua với mẹ rằng mới chỉ là đứa con đầu tiên, bố mẹ không phải lo lắng thái quá!
 
Vợ chồng lục đục vì sinh con gái (ảnh: internet)

Dù mệt mỏi vì mang bầu, nhưng mẹ chồng chị cũng chẳng có lời hỏi thăm, chuyện chăm sóc con dâu lại càng không có. “Bà lên ở mấy tháng với hai vợ chồng, mà tôi cảm giác như đã 1 năm hoặc lâu hơn thế. Đi làm về đã mệt, lại phải làm việc nhà, bà ở nhà nhưng chẳng hề đỡ con dâu một việc nào, với bà, đó là bổn phận. Mình nghén không ăn được đồ dầu mỡ, thì bà kêu đỏng đảnh, lúc nào cũng xét nét, chì chiết con dâu bằng cái câu: “nhà  này vô phúc”. Nghe mà buồn, nhiều đêm cứ khóc ấm ức, nghĩ dại, nếu mình không lấy ông xã, thì cuộc sống có khổ như thế này không?”, chị Mai mệt mỏi cho biết.

Cũng áp lực vì chuyện phải “có nếp, có tẻ”, mỗi lần về quê nghe chồng đùa: “nhà mình toàn con gái, các cụ bắt ngồi mâm dưới”, chị Nguyễn Hoàng Anh lại thấy khó chịu trong lòng. Dù biết chồng chẳng có ý gì, nhưng chị vẫn cảm thấy tủi thân.

Có công việc làm ổn định, xinh đẹp và giỏi giang nhưng ở cái tuổi chín của người phụ nữ, chị Hoàng Anh (Gia Lâm, Hà Nội) lại bế tắc trong cuộc sống gia đình. Theo lời chị, trước đây, vợ chồng cũng trải qua 2 năm yêu nhau thắm thiết mới đi đến kết hôn và có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, sau khi chị sinh cô con gái thứ hai, tổ ấm bắt đầu lung lay.

Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh em, và chị nhận được tối hậu thư của mẹ chồng: “Cố mà sinh, được thằng nối dõi mới thôi.” Chồng chị cũng tỏ ra chán nản và cáu bẳn mỗi lần bị họ hàng nhắc nhở hay bạn bè trêu trọc về việc chưa có thằng cu.

Gần đây, chị phát hiện chồng qua lại với một phụ nữ đã bỏ chồng, ở cùng khu phố. Khi chị trách móc, anh không hề tỏ ra ăn năn mà còn thách thức: “Tôi muốn có con trai. Cô không cho tôi được thì tôi phải nhờ người khác đẻ hộ.”  Như giọt nước tràn ly, chị cay đắng viết đơn xin ly hôn, vì giữ danh dự cho gia đình mà chồng chị không đồng ý. Nhưng cũng từ đó, vợ chồng chị sống ly thân, mỗi người một khoảng trời riêng, đi về như cái bóng.

Mình thấy uất hận vô cùng mà không biết làm gì, chỉ thương hai đứa con đã không được bố thương yêu, chăm sóc mà sống với mẹ cũng không yên,” chị Hoàng Anh bộc bạch.

Cũng phải ngậm đắng nuốt cay chỉ vì “không biết đẻ con trai”, đến giờ, chị Nguyễn Thị Hoài (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn không thể quên những ngày tháng mình bị ruồng rẫy.

Chị Hoài kể, vợ chồng chị đều là trí thức. Là người phụ nữ hiền thục, đảm đang, chị được cả gia đình chồng quý mến. Hơn chục năm trước, khi anh chị đã có với nhau hai cô con gái xinh xắn thì anh ra nước ngoài tu nghiệp. Suốt hơn 3 năm đó, chị một mình vừa nuôi dạy con, vừa đi làm, nhận việc làm thêm để có đủ tiền trang trải cho gia đình, chăm sóc bố mẹ chồng đã tuổi cao sức yếu.
 
Không nên phân biệt con trai, hay con gái, miễn là gia đình hạnh phúc (ảnh: internet)

Ngày chồng trở về, chị hạnh phúc vô bờ. Thế nhưng, chưa kịp vui vì được đoàn tụ, chị đã bị chồng và gia đình chồng thúc giục cố đẻ cho được thằng cu. Dù là công chức nhưng nghĩ vì hạnh phúc gia đình, vì niềm mong mỏi của bố mẹ và niềm hãnh diện của chồng, chị cũng sinh thêm em bé thứ 3 nhưng lại là con gái.

Sau khi em bé chào đời, chị đau khổ vô cùng khi thấy tất cả mọi người nhà chồng tỏ vẻ lạnh nhạt với mình, ông xã thì không ngó ngàng gì đến cả mẹ lẫn con. Mỗi lần về nhà, anh lại nồng nặc mùi rượu và không tiếc lời chì chiết chị.

Cắn răng chịu đựng khoảng thời gian đó để giữ lấy hạnh phúc gia đình, và chỗ nương tựa cho 4 mẹ con chị. Giờ đây, mọi việc trong gia đình chị đều ổn thỏa. Chồng chị sau khi nhìn nhận lại cách cư xử của mình, cũng bình tĩnh hơn, thương vợ, thương con hơn. “Chính ông xã cũng nói với tôi, nếu được lựa chọn, vẫn sẽ chọn con gái, con gái ngoan, lại sống rất tình cảm với bố,” chị Hoài  vui vẻ nói.

Tháng trước có mấy cô gái trẻ trong cơ  quan cưới, ngày nào đến cũng thấy  rúc rích cười nói với nhau chuyện làm sao để có con trai. Trên các trang mạng bây giờ thì có nhan nhản hàng trăm cách. Nhiều người xem bói toán, dùng đủ loại thuốc mà cuối cùng vẫn sinh con gái. Tôi nghĩ, con cái là số trời, có được con là may mắn lắm rồi, đừng tạo thêm áp lực cho những người phụ nữ,” đúc rút từ chính kinh nghiệm của bản thân mình, chị Hoàng Thu Nga nói.

Trong xã hội hiện đại, vẫn còn rất nhiều phụ nữ chịu áp lực phải sinh được con trai nối dõi cho nhà chồng. Việc “trọng nam, khinh nữ” vẫn luôn là vấn đề khiến nhiều gia đình phải đau đầu. Đừng để áp lực phải sinh được con trai khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ.