Của hồi môn được coi là một chút kỷ niệm của gia đình hai bên dành tặng cho cặp dâu rể trong ngày trọng đại của cuộc đời. Trong quan niệm của một vài người, của hồi môn còn là “bộ mặt” của gia đình trong lễ cưới của con cái. Vì thế nên dù nhà có nghèo đến đâu đi nữa thì vẫn phải sắm đủ lệ bộ cho con đem về nhà chồng. Quá câu nệ về hình thức, không ít nàng dâu mới đã phải lâm vào cảnh khóc dở mếu dở với đủ chuyện bi hài về “của hồi môn”.
Lấy chồng đã 3 năm nhưng Hoàn (Hoài Đức, HN) vẫn không thể nào quên ngày cưới nhớ đời. Rục rịch chuẩn bị đám cưới ngót nghét một năm trời, gia đình hai bên thuộc hàng có điều kiện nên cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đều muốn chuẩn bị một chút quà kỷ niệm nhỏ cho đôi dâu rể. Sau lễ ăn hỏi, hai bà mẹ cùng đi đặt kiềng và nhẫn vàng, dự định sẽ trao tặng cho các con trong đám cưới.
Biết chuyện, hai vợ chồng Hoàn đều hỉ hả vì được biết là số vàng hai bên cho cũng kha khá, chắc mẩm sẽ để dành được một khoản “đậm” để lo cho những dự tính tương lai sau này. Riêng Hoàn thì chưa gì đã “mát mặt” với bạn bè và đặc biệt là mấy cô bạn đồng nghiệp cùng công ty. “Kiểu gì họ cũng được một phen lác mắt ghen tị khi nhìn thấy số của hồi môn rủng rỉnh của mình trong đám cưới” - Hoàn nghĩ thầm.
Những món "của hồi môn" đôi khi trở thành thước đo giàu sang trong đám cưới (ảnh minh họa).
Người tính không bằng trời tính. Trước hôm rước dâu, Hoàn bỗng nghe thấy tiếng bố mẹ kêu ầm ỹ lên khi đem số vàng ra kiểm tra lại. “Ông bà cẩn thận khi đặt làm còn khắc một dòng chữ nhỏ ở mặt sau của kiềng và nhẫn vàng. Đến tận lúc đó mới phát hiện ra tên của hai vợ chồng mình bị viết sai. Sợ con đeo vào sẽ gặp đen đủi nên ông bà tức tốc mang ra cửa hàng kêu họ sửa lại. Nhưng người ta bảo đêm hôm không có thợ làm nên phải ngày mai mới lấy được, trong khi sáng sớm mai mình đã lên xe hoa về nhà chồng” - Hoàn kể lại tình huống thót tim mà mình gặp phải ngay trước đám cưới.
Chẳng còn cách nào khác, Hoàn vừa bực mình vừa buồn khi nghĩ đến cảnh tay không về nhà chồng. Đúng 30 phút trước khi nhà trai đến, một bà cô họ hàng đã nảy ra một ý: dùng vàng giả thế chỗ số vàng thật, coi như “lấp chỗ trống”, tránh để đám cưới mất vui. “Quả thực là mình chưa khi nào nghĩ rằng đám cưới lại cho mình cảm giác thót tim giống như xem phim hành động đến thế. Lúc mẹ mình lên trao vàng cho con gái, mình căng thẳng đến tim đập chân run, mắt láo liên nhìn quanh chỉ sợ ai phát hiện ra thì đúng là không biết nên giấu mặt vào đâu nữa. Thành ra đến lúc lên xe dâu, mình thậm chí chả có chút mảy may nào hồi hộp của một cô dâu mới nữa” - Hoàn tâm sự.
Lo lắng suốt quãng đường về, vừa xấu hổ không dám tiết lộ cho chồng biết, về đến nhà chồng, Hoàn chỉ sốt sắng mong cho lễ cưới sớm kết thúc để được lên phòng “trút gánh nặng”. Vừa tiễn người khách cuối cùng ra về, Hoàn phóng như bay lên phòng, chốt cửa và gói gọn chỗ vàng “của hồi môn”, nhét cẩn thận dưới đáy chiếc túi xách. Cả tối tân hôn, Hoàn lờ đi khi chồng nhắc đến số vàng cưới và bảo muốn giữ lại.
“Mãi đến hôm sau, nhận được số vàng cưới hàng xịn trong tay thì mình mới dám vứt đống vàng giả ra thùng rác. Cũng may là đám cưới diễn ra suôn sẻ, không mảy may một ai biết về bí mật này, trừ mấy người họ hàng nhà mình. Xem lại đống ảnh chụp hôm cưới, nhìn bộ mặt lo lắng đến nghệt ra của mình, ai cũng phải buồn cười nhưng chỉ nghĩ đơn giản là do sắp về nhà chồng chứ chắc chẳng ai nghĩ nó lại bắt nguồn từ chuyện của hồi môn buồn cười thế này đâu” - Hoàn cười vui vẻ cho biết.
Cũng là dâu mới nhưng hoàn cảnh gia đình có chút khó khăn chứ không được dư dả như Hoàn, Mai (Quảng Ninh) từng trải qua phút tủi phận khi “đi tay không về nhà chồng”. Gia đình làm nông, phía dưới Mai lại có 2 em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, nên Mai cũng bàn bạc với chồng tương lai chuẩn bị đám cưới giản dị, bớt nỗi lo chi phí cho bố mẹ. Hiểu hoàn cảnh của vợ, chồng Mai cũng đồng ý sẽ tiết kiệm đến hết mức có thể để đám cưới vẫn đầy đủ thủ tục mà vui vẻ.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như bố mẹ chồng tương lai không quá quan trọng về hình thức. Kinh tế có khá giả hơn nhà Mai nhưng cũng không phải thuộc hạng đại gia gì, nhưng cả hai ông bà đều công tác tại phường, nên chủ trương là kiểu gì đám cưới con cũng phải tổ chức rình rang để làng xóm “còn trông vào mà nể”.
Nói là làm, tất cả những khâu không cần thiết trong lễ ăn hỏi và lễ cưới mà vợ chồng Mai cắt đi thì ông bà lại bới thêm vào, thậm chí còn làm cầu kỳ hơn so với dự tính. Biết nhà Mai khó khăn, nên trước đám cưới, bố mẹ chồng tương lai có gọi Mai vào hỏi chuyện. Sau một hồi bàn đi tính lại, ông bà quyết định sẽ mua một chiếc dây chuyền nhỏ cho con dâu mang về đeo lúc hành lễ ở nhà gái, đương nhiên phần lễ của bên nhà trai vẫn có đầy đủ. Ái ngại nhưng vì không muốn phật lòng bố mẹ chồng tương lai, Mai cũng miễn cưỡng đồng ý dù trong lòng chẳng vui vẻ gì.
Mỗi lần có ai nhắc đến "của hồi môn" là hai vợ chồng Mai lại giật mình thon thót (ảnh minh họa).
“Lúc mình mang chiếc dây chuyền vàng về, bố mẹ mình buồn lắm, mẹ mình rơm rớm nước mắt và bảo bố mẹ khổ tâm lắm vì không lo được cho đám cưới của con tươm tất. Hôm cưới, mặt mẹ mình buồn rười rượi, mình để ý thấy còn thi thoảng lấy tay chấm nước mắt. Âu cũng vì hai chữ sỹ diện cả nên bên nhà mình cũng phải chịu thiệt thòi. Nhà mình từ trước đến nay sống hiền lành nên cũng không muốn đôi co, nhất là trong việc trọng đại cả đời của con cái. Hôm cưới, nhạc nhẽo tưng bừng mà nhà gái thì buồn, nhà trai thì hỉ hả, trái ngược hoàn toàn luôn” - Mai buồn bã kể lại.
Đám cưới xong xuôi, đến khi tính toán lại thì nhà trai bị “lỗ” nặng do chi tiêu quá tay. Bố mẹ chồng đã già, lương ba cọc ba đồng nên toàn bộ số nợ nần đều dồn cả vào con trai và con dâu gánh vác. “Mấy hôm bí tiền, hai vợ chồng phải đem số vàng hồi mồn đi bán hết cả. Sau đó, vợ chồng nai lưng cày kéo kiếm tiền mà nợ vẫn hoàn nợ. Suốt một thời gian, mình bị ám ảnh về tiền bạc, đám cưới. Mỗi lần có ai nhắc đến của hồi môn là hai vợ chồng giật mình thon thót” - Mai chia sẻ.
T.H