Tiền mất… tiếng xấu mang

Uyên lấy Thắng khi không một ai trong gia đình anh đồng ý. Do Thắng quá cương quyết, và cũng do cái thai đã được hơn 1 tháng nên bố mẹ anh đành gật đầu đồng ý. Cuộc sống của Uyên không nói thì ai cũng biết là bức bối chừng nào. Mọi điều ăn ý ở của cô con dâu đều lọt vào tầm kiểm soát của bà mẹ chồng. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn đã không mấy ai vẹn tròn lại càng trở nên bi đát.

Muốn “cầu hòa” với gia đình chồng nhưng chưa nghĩ ra cách nào thì may quá Uyên vớ được cái phao. Cái phao ấy tên là Thảo, chị gái cả của Thắng. Là chị cả, lại hợp tính mẹ nên Thảo có tiếng nói khá tốt trong gia đình, đặc biệt là với mẹ chồng Uyên. Thế là cô âm thầm lên kế hoạch “chinh phục” bà chị chồng.
 
Ban đầu do không ưa, Thảo cũng chả mấy mặn mà gì với sự quan tâm của cô em dâu. Nhưng dần dà thấy Uyên có vẻ “biết điều” nên chị cũng xuôi xuôi. Không xuôi xuôi sao được, khi lần nào đi công tác về Uyên cũng quà cáp đâu vào đấy. Cơ quan Uyên đi nghỉ mát về là cô mang sang nhà Thảo nào là tôm, cua, mực trị giá ngót nghét tiền triệu chứ chẳng ít. Rồi khi thì tặng chị thỏi son, mua cho chị mảnh vải may váy. Ban đầu, Thảo còn khách sáo “sao mợ cho chị lắm thế”, “lần sau mợ đừng làm thế nữa nhé”. Nhưng sau vài lần, chị trở nên bình thản và coi như chuyện bình thường khi nhận quà của Uyên.

Bây giờ, Thảo còn chủ động “thân thiết” với Uyên. Khi thì rủ mợ đi siêu thị xem cho cháu nó mấy bộ quần áo mùa hè, mợ có mắt thẩm mĩ, lại sành mua sắm, mợ đi với chị. Đến siêu thị, đứa con của chị Thảo bé nên không ý thức được ai là người trả tiền nên cứ đòi mua hết bộ này đến bộ khác. Còn bé nên cháu không biết xem giá của sản phẩm mà chỉ thích gì chọn nấy. Người hiểu là mẹ nó thì lại cố tình “ngó lơ”. Và thế là mọi thứ lại được tính vào của mợ Uyên. May mà Uyên dùng thẻ thanh toán chứ không thì khối lần méo mặt vì không đem đủ tiền mặt.

Rồi cũng chả hiếm lần chị em dâu rủ nhau đi mua vải, nhưng Thảo lại cứ “quên” mang theo ví tiền. Nhiều lần biết là bà chị chồng cố ý “đào mỏ” mình, nhưng ngại mang tiếng là dân tỉnh lẻ keo kiệt, lại muốn lấy lòng nên Uyên đành nghiến răng chịu trận.

Sau vài lần thất bát ghê quá, nên Uyên cũng nhãng dần bà chị “thợ lờ” này ra, thì ngay lập tức nhận được một thái độ “không hài lòng” của bà chị. Ngay lập tức, bao nhiêu tính xấu của cô đến tai mẹ chồng hết. Nào là chuyện la cà về muộn, không chịu về sớm cơm nước cho chồng, tiêu pha phung phí, chỉ khổ thằng Thắng nhà mình cày lưng ra mà nuôi nó. Xót con, lại nghe lời con gái, bà mẹ chồng Uyên thỉnh thoảng lại cho gọi hai con đến để “giáo huấn” một bài về “công, dung, ngôn, hạnh” của một người con gái. Uyên thừa hiểu nguyên nhân này là bà chị chồng mình. Nhưng cũng nản trong chuyện lấy lòng người nọ người kia, Uyên chuyển sang tâm niệm “sống tốt với chồng con và làm tròn chữ hiếu của người con dâu là được”. Những lời ra tiếng vào, cô mặc kệ.
 
Bà cô chồng chuyên nghề “buôn dưa lê”

Tâm thì không có nỗi khổ của cô con dâu phải “chiều lòng” mẹ chồng vì mẹ chồng cô đã mất trước khi cô về làm dâu. Và đối tượng phải “lấy lòng” cũng không hám vật chất, không làm cô “viêm màng túi” những cũng mang lại không ít phiền toái cho cô.

Tâm có một bà cô chồng khó tính chẳng kém gì bà mẹ chồng. Rảnh rỗi, nhà lại gần nên bà Quế rất hay sang nhà anh trai chơi. Không chỉ thăm anh và các cháu như bà thường nói mà rất hay “để ý” việc trong nhà chồng cô.

Biết thế, nên ngay từ đầu, Tâm cũng rất chịu khó trò chuyện, tâm sự với bà cô mình. Coi cô như mẹ mình, cô lại hay hỏi chuyện nên Tâm hay kể việc nhà cho bà nghe. Ngay cả khi việc vợ chồng cô giận nhau bà cũng quan tâm. Muốn cô khỏi phiền lòng, cô thành thật kể hết. Tâm kể Huy chồng mình có tính hay nể bạn bè, nên thường xa vào các cuộc đàn đúm, say sưa. Rồi Huy vốn đào hoa nên ra ngoài thường được các cô gái “để ý”. Chỉ thế thôi, thực ra thì Tâm cũng khống muốn kể những chuyện riêng của vợ chồng ra nhưng chẳng lẽ cô quan tâm, hỏi han lại không nói. Bà cô cũng ra vẻ quan tâm, động viên cháu ghê lắm, lại còn ra vẻ “thôi, thằng Huy nhà cô nó có biết gì đâu, nhà này rồi một tay cháu vun vén hết thôi”.

Đấy là nói với Tâm thế, nhưng sang nhà người ta là câu chuyện lại chuyển sang hướng khác. Tâm cũng không thẻ biết mình thành nạn nhân để bà cô đem ra “xào nấu” trong những buổi rỗi việc. Đi đâu bà Quế cũng thì thào “Tôi đã bảo rồi mà, vợ chồng hai đứa này chả được lâu đâu. Tôi nói có sai đâu, chính miệng cái Tâm nói với tôi mà. Nó vừa khóc lóc nói với tôi rằng dạo này chồng nó hình như chán nó, suốt ngày lang thang rượu chè với bạn bè. Hình như còn có cô nào rồi ấy”.

Thế là cái tin vợ chồng thằng Huy sắp bỏ nhau lan ra đến mức bố chồng cô phải cho gọi hai vợ chồng cô lại để hỏi chuyện. Lúc đó cô mới ngớ người ra, biết mình đã bị ”hớ”. Cô đành nói khéo với bố chồng để ông yên tâm và từ đó “cạch” đến già chuyện tâm sự với bà cô nhiều chuyện của mình.
 
Theo Phununet