Đó là Ngư Huyền Cơ, người con gái được sử sách Trung Quốc nhắc đến với danh tiếng 1 trong 3 nữ sĩ nổi tiếng nhất đời Đường. Nàng tên thật là Ngư Ấu Vi hay còn gọi là Huệ Lan, sinh năm 844 tại kinh đô Trường An của nhà Đường.

Cha nàng là một trí thức, từng ôm mộng công danh nhưng không thành. Vì thế, bao nhiêu tâm huyết ông đều dồn hết cho cô con gái độc nhất của mình. 

Dưới sự dạy dỗ của cha và nhờ tài năng thiên phú, mới 5 tuổi, Huyền Cơ đã thuộc làu hàng trăm bài thơ nổi tiếng. Lên 7 tuổi, nàng bắt đầu làm thơ. Và đến năm 11 - 12 tuổi, tên tuổi Ngư Huyền Cơ đã làm chấn động văn giới Trường An. Nhiều người coi nàng là thần đồng thi ca.

Mối tình đơn phương với thầy giáo dạy thơ

Sự tài hoa xuất chúng của Huyền Cơ đã khiến một đại thi nhân nổi tiếng thời bấy giờ là Ôn Đình Quân chú ý. Ông tìm đến nhà họ Ngư xem thực hư tài năng của Huyền Cơ ra sao. Và đúng như lời đồn, họ Ôn thực sự ngạc nhiên trước tài thơ văn của nàng. Từ đó, ông nhận nàng làm học trò, thường lui tới nhà để chỉ bảo. Tình cảm hai người vừa như tình thầy trò, cha con, lại vừa như bạn bè.

Về phần Ôn Đình Quân, tướng mạo của ông không mấy khôi ngô nếu không muốn nói là xấu xí. Dù vậy, ông lại rất phong lưu và đào hoa. Cũng chính vì thế mà Ôn Đình Quân đã khiến trái tim của người con gái mới lớn Huyền Cơ âm thầm xao xuyến. Khi ấy, Huyền Cơ mới chừng 15 - 16 tuổi, còn Ôn Đình Quân đã 60 tuổi.

Tình cảm dạt dào, nhưng mãi đến khi Ôn Đình Quân phải rời khỏi Trường An lên đường nhậm chức ở tận vùng Hồ Bắc, nàng Huyền Cơ nhớ nhung không yên nên đã nhiều lần viết thư để bày tỏ nỗi lòng mình.

Ôn Đình Quân mặc dù là kẻ phong lưu, song thời bấy giờ, giới hạn thầy trò là điều cực kỳ linh thiêng và nghiêm khắc. Ngoài ra, tuổi tác giữa hai người quá chênh lệch, Ôn Đình Quân cũng đã có vợ con đề huề nên ông không dám tiến đến với người học trò tài năng, si tình này.

Khi biết được tình cảm của nàng, Ôn Đình Quân rơi vào thế khó xử. Ông trăn trở làm thế nào để có thể từ chối được Huyền Cơ mà không khiến nàng đau khổ.

Sau khi suy nghĩ rất lâu, Ôn Đình Quân quyết định giới thiệu Ngư Huyền Cơ cho người bạn đỗ trạng nguyên cùng khoa thi với mình là Lý Ức. Khi ấy, Lý Ức mới 22 tuổi. Ôn Đình Quân nghĩ, Lý Ức còn trẻ, tương lai xem ra rất xán lạn. Nếu lấy chàng, Huyền Cơ chắc sẽ sung sướng và hạnh phúc một đời. Chỉ ít lâu sau, Huyền Cơ về làm thiếp của L‎ý Ức.

Những năm tháng sau này, Ôn Đình Quân vẫn lận đận đường công danh nhưng lúc nào cũng quấn quýt làm thơ với các ca nữ ở kỹ viện. Người ta nói rằng, sở dĩ Ôn Đình Quân “bất đắc chí” như vậy, một phần cũng vì ông luôn tự trách mình đã không đón nhận Huyền Cơ để cuộc đời nàng rơi vào tấm thảm kịch - điều khiến ông đau đớn đến rụng rời chân tay.

Bi kịch của người con gái tài danh trót yêu thầy giáo 1
Vẻ phong tình, xinh tươi cùng tài hoa trác tuyệt của Huyền Cơ đã khiến vô số bậc nam tử si mê (Ảnh minh họa).

Bi kịch của nữ sĩ phong tình


Sau khi lấy Lý Ức, hai người đã sống với nhau hạnh phúc được 3 tháng thì bị Bùi Thị - vợ cả của Lý Ức phát hiện. Huyền Cơ khuyên Lý Ức thú thật với vợ, hy vọng cô ta sẽ bao dung mà chấp nhận nàng.

Nhưng khi biết chuyện, Bùi Thị nhất quyết đuổi Huyền Cơ đi. Sợ vợ, Lý Ức đành sắp xếp cho Huyền Cơ ra Hàm Nghi Quán tạm thời làm đạo cô chờ chàng tìm cách đưa về đoàn tụ sau.

Nhưng dưới sự kiềm toả của vợ, Lý Ức không dám đến thăm Huyền Cơ lấy một lần. Cuộc đời của Huyền Cơ rơi vào giai đoạn khó khăn và sóng gió hơn gấp nhiều lần những ngày còn làm vợ bé của họ Lý. Nàng vẫn chờ đợi và hy vọng một ngày L‎ý Ức đến đón về nhưng đến khi nghe tin vợ chồng Lý Ức đã rời kinh chuyển đến nhiệm sở mới ở Dương Châu, Huyền Cơ thực sự choáng váng và thất vọng. Từ đây, Ngư Huyền Cơ bắt đầu cuộc sống phóng túng, nhận nhiều bé gái làm đệ tử.

Vẻ phong tình, xinh tươi cùng tài hoa trác tuyệt của Huyền Cơ đã khiến vô số bậc nam tử si mê. Cuộc đời nàng trải qua hàng trăm mối tình với nhiều người đàn ông khác nhau như Tả Danh Dương, Lý Cận Nhân, Trần Vĩ... nhưng lại kết thúc trong bi kịch thảm thương.

Chuyện kể rằng, trong số những đệ tử của Huyền, có một cô tên là Lục Kiều. Một lần, Huyền Cơ có việc đi vắng dặn Lục Kiều ở lại trông đạo quán. Khi cô trở về hỏi có ai đến tìm mình không, Lục Kiều trả lời rằng có Trần Vĩ đến, nhưng thấy Huyền Cơ không có nhà nên đã về.

Huyền Cơ thấy lạ vì mọi lần không bao giờ Trần Vĩ bỏ về khi chưa gặp cô. Linh tính khiến cô sinh nghi, bèn ngầm quan sát Lục Kiều. Thấy cô ta quần áo tóc tai không được chỉn chu, lời nói, cử chỉ cũng có vẻ khác thường, Huyền Cơ bèn gọi Lục Kiều vào phòng riêng để kiểm tra. Mặc dù Lục Kiều ra sức chối, nhưng những vết móng tay trên ngực cô ta lại khẳng định nghi ngờ của Huyền Cơ là đúng.

Cơn ghen bùng lên, Huyền Cơ giật roi đánh Lục Kiều một trận tả tơi. Bị đánh đau, Lục Kiều hết đường chối cãi, lại còn lớn tiếng mạt sát sư phụ. Điên tiết, nàng xông đến bóp cổ Lục Kiều đến chết. Huyền Cơ sợ quá, lôi xác Lục Kiều đến chôn vội ở vườn sau.

Một hôm có hai vị khách đến Hàm Nghi Quán chơi, quá bước ra vườn, chợt thấy dưới khóm hoa tử đằng đầy những ruồi nhặng và bốc mùi hôi thối. Họ sinh nghi, trở về mật báo với quan phủ. Sau đó, Huyền Cơ bị bắt và kết án tử hình vì tội giết người.

Vậy là Ngư Huyền Cơ kết thúc kiếp đào hoa, tài tình, phong lưu, bạc mệnh ở tuổi 26.



Vốn tài sắc vẹn toàn, khiến bao công tử nhà giàu mê đắm, nhưng người kỹ nữ nổi tiếng nhất đất Hà thành ấy lại dành trái tim chung tình với một người đàn ông nghèo...
Bi kịch của người con gái tài danh trót yêu thầy giáo 2