Ngày Thư ra mắt bố mẹ chồng tương lai tại một ngôi nhà bốn tầng bề thế ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông bà không chê cô điều gì. Chỉ một điều mà họ không ưa: Thư là gái quê. Điều đó không đủ là lý do ngăn cản cuộc hôn nhân, nhưng lại đủ để bà mẹ chồng, một phụ nữ xinh đẹp, đài các và khéo léo, tỏ ra xem thường con dâu ngay từ ngày đầu chung sống.

“Con ạ, con nấu thế này ở nhà quê có thể được khen là ngon, nhưng ở thành phố thì không ăn nổi đâu”. Ngay từ lần nấu nướng đầu tiên ở nhà chồng, Thư đã rơm rớm nước mắt khi nghe mẹ chồng nói vậy trước cả khách khứa. Trong nhiều bữa cơm, bà gắp thức ăn vào bát con dâu, ngọt nhạt bảo: “Ăn thử đi con, ở quê con làm gì có món này mà ăn!”. Thư phẫn uất vì đó cũng chỉ là món ăn bình thường, quen thuộc, và nhà bố mẹ cô cũng chẳng đến nỗi nào. Tuy không phải là người sành điệu nhưng bốn năm đại học cộng với ba năm đi làm ở Hà Nội cũng giúp cô thay đổi nhiều và không có gì khác biệt khi làm việc, giao tiếp với những người ở thủ đô. Thế nhưng với mẹ chồng, cô vẫn “quê một cục”.

“Tôi không bao giờ phủ nhận mình là dân quê và điều đó chẳng có gì là hèn kém. Nhưng mẹ chồng tôi luôn đem điều đó ra miệt thị, cứ như tôi thuộc đẳng cấp dưới vậy”, Thư nói. Thậm chí, nhiều khi bà chế giễu cả giọng nói vẫn còn sắc thái xứ Thanh của cô. Việc trong nhà, thậm chí việc riêng của vợ chồng Thư, hễ cô có ý kiến là bị “nhắc nhở” ngay rằng đó là kiểu nhà quê, cho bao nhiêu người Thủ đô vẫn làm như vậy. Mẹ chồng luôn muốn Thư hiểu rằng, với gia đình Hà Nội gốc như họ, việc chấp nhận một cô gái xuất thân ngoài khu 36 phố phường đã là điều bất đắc dĩ rồi, huống chi nhà cô lại ở cách Bờ Hồ gần 200 km.

Có mẹ chồng thành phố xinh đẹp, sành điệu cũng là sức ép cho những cô dâu gốc gác nông thôn, tỉnh lẻ. 

Không giàu có và có gốc gác nhiều đời ở Thủ đô như gia đình chồng Thư, nhà chồng chị Trang (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới chuyển từ một xã miền núi Bắc Giang đến Hà Nội cách đây vài chục năm, và cuộc sống hiện cũng rất chật vật. Thế nhưng bà mẹ vẫn cho rằng con trai mình “hạ giá” khi lấy chị, một cô gái đến từ Bình Xuyên, Hải Dương, và không ngớt lời chê con dâu nhà quê. Khi họ xin phép cưới cách đây 10 năm, bà thậm chí còn hỏi có phải chị muốn có hộ khẩu thành phố không khi chấp nhận lấy anh, một người không có bằng đại học. Tự ái nên tuy đã kết hôn nhưng suốt mấy năm đầu, chị vẫn không chịu nhập hộ khẩu vào nhà chồng.

“Trời ơi, mấy hôm nay bọn trẻ nhà quê lên ôn thi đại học nhiều, mấy dãy phòng trọ gần nhà mình chật hết, ầm ĩ suốt ngày ông ạ”, mẹ chồng Trang than thở, rồi quay sang con dâu dặn: “Con có em hay cháu gì định ra thi thì đừng bảo họ đến nhà mình nhé. Người ta dân quê không quen ăn ở sạch sẽ, không có điều kiện tiếp xúc với văn minh nên cũng bất tiện”. Trang tức lắm vì hầu như hè năm nào bà cũng dặn như vậy dù chị nói là đã quán triệt lời bà, và cũng không có họ hàng nào sắp thi đại học.

Quần áo, đồ dùng Trang mua tặng bố mẹ chồng hoặc để dùng trong nhà dù được những người khác khen đẹp thì về vẫn bị mẹ chê bai. Nhà chật mà người lại đông nên phòng khách ở tầng một vẫn phải kê giường để cậu em chồng ngủ. Thấy bất tiện, Trang bàn mua một chiếc giường có thể thu gọn lại như cái ghế, kê cùng với bàn tiếp khách, đêm mới kéo ra nằm. Vừa nghe, bà mẹ đã gạt phắt: “Cái đấy trông dở hơi lắm, dùng cho các nhà ở thị xã thị trấn gì đấy còn được”. Nhưng đến cuối tuần, khi cậu em vác cái giường như Trang nói về kê, bà lại khen lấy khen để là cậu ta sáng tạo.

“Ngay cả chồng tôi cũng phải công nhận là bà ngang phè khi chê bai tôi như vậy, anh ấy bảo bà còn quê hơn tôi. Bố chồng cũng nhiều lần góp ý những khi bà nói tôi là đồ nhà quê này nọ, nhưng chẳng ăn thua”, Trang tâm sự.

Con dâu vẫn nên chịu “nhún”

Chuyện các cô gái nông thôn hay tỉnh lẻ lấy chồng thành phố bị mẹ chồng chê “nhà quê” rất phổ biến. Với phần lớn các nàng dâu, đây là một điều khó chịu, nhiều chị luôn thấy ấm ức, tức giận về việc đó.

Theo chuyên gia tâm lý Lan Anh, các nàng dâu không nên “phản ứng mạnh” trong tình huống như vậy. Cách cư xử tích cực nhất vẫn là xem lại cách hành vi, cử chỉ của mình có gì chưa phù hợp với nếp sống thành phố của gia đình chồng không. “Nhập gia tuỳ tục”, cô dâu nên tự điều chỉnh đế thích nghi với gia đình hơn là buộc cả nhà chấp nhận cách sống của mình. Nếu nhà chồng có những “quy ước” về lối sống khắt khe hơn so với nhà mẹ đẻ thì cũng nên tuân thủ, đừng xuề xoà với lý do mẹ chồng kỹ tính quá, phức tạp quá.

“Nên để ý từ những việc nhỏ nhất, chẳng hạn vắt cái khăn mặt trong nhà tắm ra sao, giày dép để vào giá thế nào… cho hợp với cách mà cả nhà vẫn làm. Trong nấu nướng cũng vậy, có thể cô dâu nấu khá nhưng không hợp với cách ăn của cả nhà thì mẹ chồng vẫn có thể chê là nấu kiểu nhà quê. Vì vậy, điều đầu tiên khi một nàng dâu bước vào gia đình có hoàn cảnh, nếp sống khác mình là học hỏi. Dần dần, mọi chuyện sẽ ổn”, bà Lan Anh nói.

Tuy nhiên, cũng có những cô dâu không hề có vẻ quê mùa nhưng vẫn bị mẹ chồng dè bỉu, xem thường chỉ vì không xuất thân thành phố. Lúc này, theo bà Lan Anh, vai trò của người trung gian rất quan trọng. Người chồng, hoặc những thành viên khác trong gia đình, nên góp ý để bà mẹ tôn trọng con dâu hơn, và nhìn ra những điểm tốt đẹp của cô. Nếu không thành công, nên tỏ ra thông cảm, chia sẻ với nàng dâu, cho biết rằng những người khác không nghĩ như bà mẹ: “Tính mẹ thế, thôi đừng chấp, đừng nghĩ ngợi gì”.

Và đó quả thật là lời khuyên tốt nhất cho nàng dâu. Tính bà đã vậy, ngay cả chồng con bà còn không thuyết phục được, thì cô con dâu không việc gì phải bực tức hay cáu gắt. Vì suy cho cùng, nếu biết sống hoà hợp, cô vẫn không hề bị giảm giá trị trong mắt những người khác trong gia đình chồng.
 
Theo Lam Giang
Đất Việt