Vì mình hay vì người?
 
Trên đời có bao nhiêu lý do để người đàn ông ngồi vào bàn nhậu thì chồng chị đã viện đủ tất cả những lý do đó, chỉ có chị là không thể chấp nhận việc anh đi nhậu. Nhiều lần chồng không đón con vì bận ngồi đâu đó với bạn bè, chị giận dỗi “anh bây giờ coi mẹ con tui không bằng mấy người bạn”. Anh nhậu về, ngáy khò khò, thở ra mùi nồng nặc khiến chị không tài nào ngủ được. Anh bảo không ngủ được thì đi chỗ khác. Chị vùng vằng: “Đời tôi sao khổ thế này, có phòng ngủ của mình mà lại trở thành “dân” tỵ nạn". Hết tiền đóng học phí cho con, chị gằn giọng: “Đàn ông gì mà vô trách nhiệm, có bao nhiêu tiền đổ vào bàn nhậu, con mình thì không ngó ngàng gì”. Anh vừa trả lời, vừa thủng thẳng dắt xe ra khỏi nhà: “Chúng nó gọi, chúng nó trả tiền, mình đâu phải mang tiền nhà đi mà từ chối”. Chị đổi giọng, có vẻ lo toan hơn một chút: “Uống lắm vào rồi đổ bệnh, chứ đâu lợi ích gì”. Anh không thèm nhìn chị, phán một câu: “Uống mà chết thì đàn ông  chết gần hết!”. Anh cứ như vậy khiến nhà chị không lúc nào hết chuyện, toàn những chuyện không đầu không đuôi và không hồi kết.
 
Chị thấy mình mệt mỏi và bất lực với chuyện nhậu của ông chồng. Của phải tội, ngoài chuyện nhậu thì anh chẳng có thêm tội tình gì: không đánh mắng vợ con, đi làm chăm chỉ, những lúc ở nhà cũng xắn tay giúp vợ, thậm chí nhiều khi “tưng tưng” còn nói chuyện trạng rất vui. Và đặc biệt, khi có chút men lại tỏ ra lãng mạn.
 
 
Vậy mà bây giờ, cầm tờ xét nghiệm tổng quát trên tay, đủ các loại chỉ số, siêu âm, đo điện tâm đồ, kết quả xét nghiệm máu, anh bỗng nhiên ngừng nhậu. Kết quả xét nghiệm không có gì nghiêm trọng nhưng bác sĩ chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Chú muốn mọi việc tốt hơn thì nên bớt nhậu”. Thật ra, đó là một câu dặn dò thường xuyên của các bác sĩ. Mọi người ai cũng rõ điều đó, nhưng tiếng nói của bác sĩ luôn có “trọng lượng” hơn người bình thường. Chị Thu cũng nói điều đó không biết bao nhiêu nghìn lần, có cả trăm lý do khác nhau nhưng anh nghĩ là chị nói vì chị. Lần này bác sĩ nói là vì bệnh nhân chứ không liên quan gì đến bác sĩ, nên anh thấy cần phải làm theo. Cũng có khi anh đã thấy chán nhậu rồi, nhân cơ hội bác sĩ khuyên để bỏ nhậu. Nhưng, ít nhất anh cũng không công khai là vì lời khuyên của vợ.

Chuyện của chị Mỹ Lan thì chẳng liên quan gì đến chuyện nhậu nhẹt của đàn ông. Chị đang muốn nâng cấp nhan sắc của mình. Chị quyết định bàn với chồng sẽ đi... nâng ngực. Chị sợ đến một ngày “vòng hai”  vượt qua “vòng một” không biết chừng. Chồng chị là bác sĩ của bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Đối với anh, việc mổ xẻ là bất đắc dĩ nên anh không muốn vợ mình đụng dao đụng kéo. Anh vẫn quen “có sao dùng vậy” từ bấy đến giờ. Chị biết anh là người đã nhiều năm làm phẫu thuật nhưng chị nghĩ, có lẽ vì anh chứng kiến nhiều đau đớn nên anh lo cho chị “hơi thừa”.

Chị vẫn muốn thay đổi chút ít để giữ chồng, “bọn con gái còn làm thế, huống chi mình. Ra đường bây giờ thấy cô nào cũng mây mẩy, các ông ấy lại so sánh với vợ ở nhà, dù thật giả lẫn lộn khó lường”. Chị muốn anh cũng không phải “chạnh lòng” khi về nhà với vợ. “Hay vì anh không muốn chị đẹp, sợ chị ra đường lại có chồng người khác nhìn?”, chị nghĩ về anh giống như một ông chồng hay ghen và hơi ích kỷ. Chị còn nghĩ có thể là chồng tiếc tiền, keo kiệt. Một ca nâng ngực tính bằng đôla. Tự nhiên chị thấy anh hẹp hòi và chi li quá. Chị cũng đi làm, cũng có thu nhập chứ đâu phải mỗi anh. Vì thế, dù anh không ủng hộ nhưng chị vẫn quyết tâm làm. Chị nghĩ khi chị đẹp hơn thì anh sẽ thích. Chị lặng lẽ đến thẩm mỹ viện một mình, muốn đem bất ngờ cho mọi người vì chị “bỗng nhiên” trở nên “đầy đặn”. Mọi việc không như chị mong đợi. Một tuần sau khi nâng ngực, chị bị biến chứng, phải đi cấp cứu, lại cấp cứu ở bệnh viện anh đang làm. Lúc đó, chị mới hiểu rằng, chồng chị đã không thừa khi cảnh báo việc nâng ngực của chị.
 
Nghệ thuật góp ý
 
Có rất nhiều người thường không muốn chấp nhận ý kiến của “người trong nhà”. “Bụt” trong nhà thì không còn là “bụt”. Những “người nhà” với nhau thường nghĩ đã quá hiểu nhau nên có khi không còn phục nhau. Anh ấy nói nhiều nhưng đâu làm được mấy. Vợ mình lý thuyết hoài mà đâu có thực hành gì, chẳng qua nói là vì quyền lợi của họ thôi. Hơn nữa, vợ chồng nói với nhau không giống nói với người ngoài, hay xét nét hơn và thường đổ tội. Khi góp ý nhẹ nhàng thì cho rằng “chỉ toàn nhắc khéo, bóng gió như chuyện của nhà ai”. Nói nhẹ quá lại thấy “chưa đủ đô”. Nói trực tiếp thì tự ái đùng đùng: “Nói như đập vào mặt người ta”. Nói ngắn gọn thì: “Người đâu mà nói năng như ra lệnh”. Nếu lựa lời vòng vo một chút, lại cho là khách sáo “vẽ chuyện”. Chồng khen thì bảo “đừng có nịnh, tui biết tỏng rồi”, góp ý thì bảo “lại chê con này vừa già, vừa không xứng”...
 

Các ông chồng cũng không dễ nghe lời vợ. “Thằng đàn ông mà nghe vợ coi như mất quyền lực trong nhà”; chuyện gì cũng làm theo lời vợ, chẳng khác nào tự nhận vợ giỏi hơn mình. Đàn ông phải hơn vợ “một cái đầu”, bất kể vợ học cao hay học thấp. Mà ai lại để vợ mình làm sếp, làm thế thì còn mặt mũi nào mà ngẩng cao đầu với con, với gia đình hai bên...

Người nói có lý do để nói, người nghe có lý do để biện minh cho sự chống đối của mình. Có lẽ vì vậy mà đôi khi chuyện trong nhà phải nhờ người ngoài giải quyết. Người nói không đủ kiên nhẫn, không biết chọn “thời cơ” và không quen lựa lời để nói. Người nghe không chịu chấp nhận “phải nghe” nên phủ nhận ngay từ phút đầu. Vậy là mọi câu chuyện hình như chỉ dừng lại ở “phần mở đầu”.

Trong cuộc sống vợ chồng, ai cũng muốn biết những suy nghĩ của “người ấy” về mình, muốn càng sống với nhau, càng hiểu nhau hơn. Nhưng chia sẻ suy nghĩ và góp ý với nhau lại là điều rất khó. Có chấp nhận những điều người kia nói, thì mới sẵn sàng điều chỉnh để phù hợp với nhau hơn. Thái độ khi góp ý là một nghệ thuật tinh tế nhưng không có trường lớp, sách vở nào dạy.

Biết góp ý để người nghe sẵn sàng chấp nhận, biết đón nhận để người nói chịu góp ý với mình. Không phải chờ khi người ta mắc tội để kể tội với người ngoài, cũng đừng vội kể với người ngoài khi chưa góp ý. Dù vẫn biết ý kiến người ngoài là khách quan, là quan trọng nhưng vô tình sẽ làm chuyện rắc rối thêm, làm giảm đi giá trị của lời góp ý. Cứ thỏ thẻ, nhẹ nhàng, dí dỏm, cứ chân thành tha thiết thì “người ấy” sẽ suy nghĩ về những gì mình nói. Không kỳ vọng người ta chấp nhận ý kiến một trăm phần trăm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu và không vội vã. Khi “người ấy” đang mệt mỏi, đang buồn, đang giận dữ, đừng lôi tội ra mà kể, vô tình mồi thêm lửa cho cơn thịnh nộ của người ta. Khi người ta đang muốn tâm sự với mình, đừng gạt phăng cơ hội cùng nhau chia sẻ. Lắng nghe, không vội phê bình và phủ nhận, mình cũng nên tạo cho mình cơ hội để suy nghĩ chín chắn hơn.

Ý kiến người ngoài là ý kiến khách quan, có thể đúng, có thể sai nên chỉ để tham khảo. Cho dù người trong nhà là chủ quan, là đôi khi hơi thiên vị một chút nhưng nếu biết nghe và biết cách nói, thì người trong nhà sẽ giải quyết được chuyện trong nhà. "Bụt" ở đâu thì vẫn là “bụt”, thiêng hay không là do niềm tin của mỗi người. Nếu khéo thì bụt nhà mình chắc chắn còn thiêng hơn bụt nhà người khác.