Khi bi cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, nhiều người lập tức tìm đến các hiệu thuốc mua về một số loại mà không cần đơn thuốc hay chỉ định gì của bác sỹ.

Nguy hại ở chỗ, thuốc được các gia đình tự kê nên nhiều khi đi mua thuốc với những lý do rất không khoa học như: mua thuốc vì mọi khi ốm vẫn hay dùng loại đó, liều uống cho thuốc kháng sinh 4 viên/ngày chia làm 2 lần thì nhiều người không ngần ngại uống luôn 6 viên/ngày với suy nghĩ tiêu diệt nhanh gọn bọn virut đáng ghét để nhanh khỏi. (?!). Thậm chí có người đi khi đến khám mà bác sỹ kê ít thuốc quá lại đâm lo. Cũng có người suy nghĩ mua thuốc ngoại mới là tốt, thuốc có tên “càng tây” thì càng yên tâm. Lại có trường hợp tiếc tiền mua thuốc, họ không chọn mua kháng sinh được kê mà trong vô vàn các loại kháng sinh, họ chọn mua loại rẻ nhất. Hoặc chỉ nghe người nọ người kia mách thuốc, giới thiệu loại thuốc họ dùng thấy tốt là đi mua về để chữa cho mình liền.

Tình trạng dùng thuốc bổ cũng vô tội vạ chỉ vì suy nghĩ cứ thuốc bổ là bổ và càng uống nhiều thì càng bổ.

Chị Dung bị cảm cúm. Mọi khi ốm chị vẫn hay mua kháng sinh liều cao về để tự điều trị. Lần này cũng vậy chị đi mua cho mình loại thuốc quen thuộc. Uống đúng liều 2 viên/ngày, đến ngày thứ hai thì chị không uống nữa vì thấy trong người đã khỏe lại. Chị nghĩ uống kháng sinh nhiều hại sức khỏe nên khỏi rồi thì... thôi. Không ngờ 3 hôm sau chị bị ốm lại, lấy nốt vỉ thuốc còn lại ra uống nhưng không đỡ. Đến công ty, đồng nghiệp mách uống loại..., chị chuyển qua loại đó luôn. Tuy nhiên, chị vẫn không đỡ, lúc nào cũng trong tình trạng ốm dở, không nặng hẳn nhưng cũng không khỏi dứt điểm. Chị đi khám thì bác sỹ kết luận nhờn thuốc do dùng không đúng chỉ định.

 
Mua thuốc tốt không có tiêu chí nào cả mà quan trọng nhất là phải mua thuốc đúng người, đúng bệnh.
 
Mốt số loại thuốc thông thường được sử dụng khi cảm cúm, sốt, nhức đầu, sổ mũi... như: Paracetamol, các loại kháng sinh, siro ho... là nhưng thuốc rất quen thuộc nên nhiều người nghĩ hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Thực tế tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở ngay những thuốc thông dụng này, ngay cả loại thuốc thông dụng nhất như Paracetamol.

Paracetamol (PCM) là thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tên biệt dược nên đã có nhiều ca ngộ độc do dùng cùng lúc 2 – 3 loại thuốc đều có Paracetamol. Ngoài tên gọi Paracetamol, còn có tên acetaminophen nên khá nhiều người nhầm tưởng đây là hai loại thuốc khác nhau. Hơn nữa, một số chế phẩm phối hợp của PCM với các chất khác dùng trong cảm sốt không an toàn với tất cả mọi người như nhiều người vẫn nghĩ.

Hầu như người bệnh không chú ý đến những tác dụng phụ khó lường của thuốc như: thuốc  dễ gây buồn ngủ đặc biệt khi kết hợp với chlorpheramin nên sẽ nguy hiểm khi sử dụng cho người đang vận hành máy móc, điều khiển phương tiện giao thông, làm việc trên độ cao...

Có trường hợp dùng PCM kết hợp với phenyl propanolamin gây co mạch... PCM. PCM cũng không dùng cho người bị tăng huyết áp, chỉ nên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trong trường hợp cần thiết...

Như vậy những loại thuốc phổ biến nhất cũng cần được sử dụng một cách thận trọng. Cách tốt nhất là người bệnh cần thăm khám và mua thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ, cần tìm hiểu những thông tin về loại thuốc sử dụng, chú ý đến những tác dụng phụ của thuốc. Thuốc dùng phải đúng người, đúng bệnh tránh tình trạng sử dụng thuốc tràn lan, thiếu khoa học đẫn đến nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh đang được cảnh báo như hiện nay.

 Lan Anh